“Giải cứu phim Việt” liệu có cần thiết?

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
02/10/2019 06:20 GMT+7

Gần đây, phong trào mang tên “ giải cứu phim Việt” xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội nhằm kêu gọi khán giả ra rạp ủng hộ phim Việt để bộ phim đó không “chết” khi quá vắng người xem. Điều này làm dấy lên nhiều ý kiến bàn luận trái chiều.

 

Những lời kêu gọi thống thiết

Diễn viên - nhà sản xuất Hồng Ánh bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ dùng từ “giải cứu” nghĩa là mình chưa tự tin vào tác phẩm của mình. Nếu nhìn tác phẩm điện ảnh giống như một sản phẩm trên thương trường thì sự cạnh tranh đó là công bằng, bởi ở những quốc gia khác, sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn rất nhiều. Phim Việt luôn có sự hậu thuẫn lớn từ khán giả VN, cho nên cứ làm phim tốt và hay đi, mình sẽ được mọi người đón nhận”.
Mới đây, ê kíp đạo diễn - nhà sản xuất bộ phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi (chiếu rạp từ 27.9) lên tiếng kêu gọi “giải cứu” bộ phim bằng một bài viết trên mạng xã hội, nói lên tâm huyết của đoàn phim, gây sự chú ý với cộng đồng. Theo đó, đạo diễn Chung Chí Công viết khá thống thiết: “... Phim không đủ sức trụ ngoài rạp, dù mới chỉ trải qua 1 ngày công chiếu khi đang bị cắt suất dần khỏi các rạp, và thậm chí sau 3 ngày cuối tuần, phim gần như sẽ biến mất khỏi các hệ thống rạp. Vòng đời của đứa con đầu lòng chỉ có vỏn vẹn 3 ngày, và tận sâu trong lòng chúng mình không cam tâm... Chưa bao giờ chúng mình cần những bạn khán giả trẻ như lúc này. Chúng mình cần 150.000 bạn trẻ tiếp sức...”. Dòng status (trạng thái) này của anh nhận được gần 10.000 lượt thích, 800 bình luận và 5.400 lượt chia sẻ về các trang mạng khác nhau. Hiệu ứng này giúp “các nhà rạp đã hỗ trợ mở thêm suất chiếu trong tuần này để phim có thêm cơ hội đến với các khán giả chưa kịp xem trong cuối tuần trước”, đạo diễn Công cho biết thêm. Thực tế Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi có được doanh thu gần 990 triệu đồng sau 3 ngày chiếu (tính đến 30.9, theo Box Office Vietnam) và phim vẫn còn lịch chiếu ở các hệ thống rạp với những khung giờ khá thuận lợi như 18 giờ 30, 20 giờ...

Thưa mẹ con đi (ảnh nhỏ), Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi cùng nhờ khán giả giải cứu

Ảnh: ĐPCC

Trước đó, đạo diễn bộ phim Thưa mẹ con đi là Trịnh Đình Lê Minh cũng thống thiết kêu gọi khán giả mua vé “giải cứu” phim khi bị xếp chiếu vào khung giờ xấu (2 - 5 suất/ngày, không ở khung “giờ vàng”, rạp ở xa trung tâm). Cùng với anh còn có nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chung tay giúp sức “giải cứu phim” và kêu gọi mọi người cùng chia sẻ thông tin để nhiều khán giả biết đến lịch chiếu của Thưa mẹ con đi.
Vào tháng 1 năm nay, nhà sản xuất phim Yolo - Bạn chỉ sống một lần cũng cho biết: “Dù mới ra mắt chưa đầy một tuần lễ, thế nhưng số lượng suất chiếu của phim lại bị nhiều hệ thống rạp giới hạn khi xử ép, chỉ chiếu vào sáng sớm (9 - 11 giờ), xế chiều (13 - 16 giờ) hoặc tối muộn (21 - 23 giờ)”. Ê kíp sản xuất còn so sánh với trường hợp của phim Song lang và cho rằng phim của mình kém may mắn khi vừa không được nhà phát hành ưu ái, lại không có chiến dịch kêu gọi kiểu như “Cho Song lang thêm một tuần nữa”. Tháng 9.2018, khi Song lang chiếu tại rạp khá kén khán giả nên nhiều người yêu mến đạo diễn Leon Quang Lê và bộ phim này đã cùng nhau kêu gọi cho phim, để rồi phim được chiếu thêm 1 tuần với khẩu hiệu được lan truyền trên cộng đồng mạng “Yêu Song lang thêm lần nữa”.

Đừng để khán giả thương hại

Có thể thấy, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi nếu có “chết” cũng không phải do bị bom tấn Hollywood “đè” khi chiếu cùng thời điểm - như nhiều phim Việt khác, mà từ nhiều lý do, trong đó có chất lượng phim. Có thể thấy phim chỉ hợp gu với một nhóm nhỏ đối tượng khán giả thích nhạc indie, có lối sống cá tính như hai nhân vật trong phim. Các phim khác như Song lang, Thưa mẹ con đi... cũng thế, bởi phim đã chọn chủ đề kén khán giả thì phải chấp nhận sức hấp dẫn của phim chỉ phủ sóng được bấy nhiêu người xem. “Khi làm phim thương mại chiếu rạp thì cần nghiêm túc xem xét thị hiếu. Còn nếu đã làm cho thỏa đam mê theo đúng gu của đạo diễn thì bớt than trách khi phim không được đông đảo khán giả đổ xô đi xem, bởi vấn đề không chỉ nằm ở tiền vé (gần 100.000 đồng) mà còn là thời gian phải bỏ ra khi đi xem, nếu đó không phải là một bộ phim hấp dẫn”, nhà phê bình phim Liên Hương nêu ý kiến.
Nhà sản xuất Bích Liên thẳng thắn: “Khán giả có quyền chọn lựa món giải trí cho mình. Ra thị trường, làm thương mại thì tài năng, chất lượng phải lấy làm đầu, đừng để công chúng thấy tội nghiệp phim Việt và lấy lòng thương hại của khán giả. Gu thưởng thức và thị hiếu của khán giả ngày càng được nâng lên. Nếu một bộ phim hay thật sự thì sẽ có khách thôi”.
Rạp chiếu vận hành theo quy luật thị trường, phim có khán giả thì không chủ rạp nào không muốn chiếu. Ở thời điểm tháng 5.2018, phong trào “giải cứu” đã rộ lên khi 2 phim Việt là Lật mặt 3 và 100 ngày bên em bị bom tấn Avengers: Infinity war áp đảo lịch chiếu. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng của 100 ngày bên em nhìn nhận: “Nhà phát hành cũng là doanh nghiệp, lợi nhuận và doanh thu là bài toán quan trọng mà họ phải tính đến. Phim tôi không đủ hút được khán giả, mà Avengers: Infinity war lại ăn khách như vậy. Tôi chẳng thể nào trách nhà phát hành được. Nếu muốn phim ăn khách, hãy cố gắng làm được một bộ phim thật tốt. Đến lúc đó, kể cả mình không xin thêm, nhà phát hành cũng sẽ tự động tăng suất chiếu, điển hình là Em chưa 18 và Hai Phượng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.