Giải cứu thành công cô gái bị 'bán' qua Trung Quốc đẻ mướn
26/10/2018 08:34 GMT+7
Cơ quan chức năng Việt Nam vừa phối hợp với một tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, vừa giải cứu thành công một nạn nhân bị 'bán' qua Trung Quốc để đẻ mướn.
Tự động phát
“Nỗi lòng xa xứ”
Đó là nickname của bà mẹ trẻ Đ.T.C.T (21 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại Kiên Giang) bị “bán” sang Trung Quốc (TQ), ép đẻ mướn, cầu cứu gia đình nhờ cơ quan chức năng VN giải thoát khỏi “địa ngục trần gian” nơi xứ người.
Ngày 23.9, ông Đ.H.H (43 tuổi, ngụ An Giang, tạm trú TP.HCM) cùng người thân đến tòa soạn Báo Thanh Niên gửi đơn “cầu cứu” báo phối hợp cơ quan chức năng giải cứu con gái của mình đang bị nhóm “buôn người” bắt nhốt trong căn phòng, có người canh giữ 24/24. Ông H. cho hay, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng ông H. gửi 3 đứa con (trong đó có chị T.) cho ông nội ở Kiên Giang chăm sóc, lên TP.HCM làm mướn kiếm tiền nuôi con.
Học hết lớp 6, T. (con gái đầu của ông H.) nghỉ học, sau đó lấy chồng có con nhưng cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Đầu tháng 4.2018, qua mạng xã hội, chị T. làm quen với một cô gái có nickname Ngọc Tình (chưa rõ lai lịch) giới thiệu qua TQ giúp việc nhà với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng.
|
“Nơi đất khách quê người, không biết nhờ cậy ai nên đành chấp nhận. Nhóm người này đưa T. vào bệnh viện chích thuốc mê, tỉnh dậy thì đang bị nhốt trong một căn phòng, có người canh giữ”, ông H., rơm rớm nước mắt và ông tỏ ra lo lắng: “Lúc chưa mang bầu, T. phải đi cuốc đất, vô rừng làm lụng. Từ khi mang bầu, họ đưa về ở chung một nhóm hơn 10 phụ nữ mang bầu ở đây. Chịu không nổi cảnh “địa ngục trần gian” này, T. chạy ra ban công khóc, la lớn kêu cứu. Nghe vậy, người dân báo cảnh sát TQ đến bắt đưa về trụ sở làm việc. Khi cảnh sát ập vào, mấy người kia (mang bầu nhỏ) bỏ chạy kịp, còn 5 người mang bầu lớn nên bị bắt, trong đó có T. Sau đó, họ chở T. đến gần biên giới thì giao lại cho nhóm “buôn người” bắt đưa về đây lại”.
Khi ông H. vừa dứt lời thì chị T. (đang bị nhốt trong một căn phòng ở TQ) bất ngờ liên lạc với người nhà của ông H. qua mạng xã hội, nói gia đình nhờ công an VN giải cứu, trong tình trạng tinh thần hỗn loạn, sợ hãi… trước sự chứng kiến của PV.
Dọa đưa đi bán nội tạng
Theo chị T., hiện chị đang mang bầu 4 tháng rưỡi (tính đến hôm 23.9), từ sau khi bị bắt lại bọn chúng bố trí hai người canh gác phòng chị và dọa sau khi sinh xong sẽ đưa chị đi bán nội tạng. Quá hoảng sợ, chị T. tìm cách gọi điện thoại cho người nhà ở VN cầu cứu.
Ở một diễn biến khác, vì chị T. kêu cứu khiến cảnh sát vào kiểm tra “đại bản doanh” đẻ mướn của bọn chúng khiến chúng tốn khá nhiều tiền giải quyết vụ việc nên nickname Ngọc Tình nhắn tin cho bà P.T.K.Th (38 tuổi, ngụ An Giang, mẹ ruột của chị T.), đe dọa sẽ dùng biện pháp mạnh: “Lúc đó đừng trách sao bên tôi ác đấy”.
Đối mặt với mối nguy hiểm trên, chị T. lên mạng định vị nơi mình đang bị “giam lỏng”, nhờ người quen quay clip địa chỉ, hình ảnh chung cư, đường dẫn đến căn phòng bị nhốt gửi về cho người thân cung cấp cho cơ quan công an VN phối hợp với cơ quan chức năng TQ, giải cứu.
Trước tình hình nguy cấp này, PV Báo Thanh Niên liên lạc với đại tá Lê Ngọc Phương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an tại TP.HCM, đưa vợ chồng ông H. đến trụ sở của C02 tại TP.HCM trình báo vụ việc.
Tại đây, điều tra viên của C02 ghi lời khai của vợ chồng ông H., sau đó cùng một số đơn vị nghiệp vụ thẩm quyền của Bộ Công an vào cuộc điều tra lên kế hoạch giải cứu; đồng thời phối hợp một tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn để giải cứu chị T.
Sau hơn 1 tháng tìm hiểu xác minh, ngày 20.10, lực lượng phối hợp giải cứu thành công chị T. đưa về VN an toàn. Hiện Cơ quan công an ghi nhận lời khai của chị T. để phục vụ công tác điều tra.
Một cán bộ của Bộ Công an khuyến cáo: “Không ít vụ tương tự như chị T. bị dụ dỗ đưa qua TQ làm việc nhà, nhân viên siêu thị với mức lương cao… nhưng khi đến nơi họ đưa đi làm việc khác không theo ý muốn. Nếu ai từ chối, họ sẽ đe dọa, yêu cầu “bồi thường” hàng trăm triệu đồng nên đa số nạn nhân làm theo yêu cầu của chúng. Đáng chú ý, trong đó đa số nạn nhân là người ở quê, vùng xa vùng sâu am hiểu pháp luật còn hạn chế. Thủ đoạn này, ngành công an đã tuyên truyền nhiều nhưng người dân vẫn còn bị sập bẫy”.
|
Bình luận (0)