Giải đấu Fed Cup bị ‘xóa tên’ để tôn vinh huyền thoại Billie Jean King

Minh Tân
Minh Tân
18/09/2020 20:10 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử, một giải đấu thể thao đồng đội lâu đời của thế giới là Fed Cup sẽ được đổi tên thành Billie Jean King, một huyền thoại của quần vợt nữ thế giới.

Thông qua tờ New York Times, Liên đoàn Quần vợt quốc tế đã đưa ra thông báo rằng Fed Cup, giải đấu quần vợt đồng đội hàng năm dành cho nữ, sẽ được đổi tên thành Billie Jean King Cup nhằm vinh danh một nhân vật không chỉ quan trọng trong lịch sử quần vợt mà còn của cả lịch sử thể thao.
Fed Cup (tên đầy đủ là The Federation Cup), được thành lập vào năm 1963 mang ý nghĩa tương đương với Davis Cup của các tay vợt nam. Thế nhưng cái tên Fed Cup vẫn được xem là chưa thật sự phù hợp với một trong những giải đấu quần vợt lớn nhất thế giới này.

Bà Billie Jean King (giữa) được xem là huyền thoại của quần vợt nữ thế giới

Ảnh: Reuters

Billie Jean King sinh ngày 22.11.1943. Trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, King đã giành được 39 danh hiệu Grand Slam, trong đó có 12 danh hiệu đơn nữ, 16 danh hiệu đôi nữ và 11 danh hiệu đôi nam nữ. Bà cũng là tay vợt đã giành danh hiệu vô địch đơn nữ tại giải đấu WTA Tour Championships đầu tiên.
Lần đầu tiên King tham dự Fed Cup là khi mới 19 tuổi và trở thành một trong những tay vợt đã góp phần mang vinh quang về cho đội tuyển quần vợt Mỹ. Bà tiếp tục giành thêm 6 danh hiệu vô địch Fed Cup cả với tư cách là vận động viên lẫn huấn luyện viên.
King chia sẻ với New York Times về việc một giải đấu đồng đội nữ toàn cầu được mang tên mình: “Tôi đã và vẫn còn bị sốc. Tôi hiểu đây là một đặc ân, nhưng tôi cũng thực sự muốn tạo ra sự khác biệt. Và tất nhiên, bây giờ tôi đang vắt óc suy nghĩ, làm thế nào chúng ta có thể tiến tới mục tiêu và tham vọng của mình?”.

Bà Billie Jean King (thứ hai từ phải sang) và các đồng đội với chiếc cúp vô địch Fed Cup năm 1963

Ảnh: Reuters

King đã cống hiến cả sự nghiệp và cuộc đời mình để đạt được sự bình đẳng cho phụ nữ, không chỉ trong thể thao mà còn ở khắp mọi nơi. Ở tuổi 76, bà vẫn làm việc đó, vẫn cố gắng thay đổi nhận thức của mọi người về vai trò của phụ nữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Bà Billie Jean King cũng ủng hộ những tay vợt như Naomi Osaka, sử dụng tài năng của mình để ủng hộ các mục tiêu công bằng xã hội. Tại Mỹ mở rộng vừa qua, nhà vô địch Osaka đeo 7 chiếc mặt nạ, mỗi chiếc mang tên của một nạn nhân da đen bị cảnh sát bạo hành. Đối với King, đây chính xác là những gì mà bà muốn thấy kể từ lần đầu tiên tẩy chay một giải đấu quần vợt do tiền thưởng dành cho các tay vợt nam và nữ không bình đẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.