Ra mắt vào năm 2005, Giai điệu mùa thu (GĐMT - do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO thực hiện mỗi năm một lần, với sự hỗ trợ của Sở VH-TT TP.HCM) khởi điểm là giới thiệu các tài năng trẻ của TP.HCM đạt được những thành tựu ở lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, sau đó mở rộng cho các tài năng VN và thế giới. Đến năm 2013, chương trình chính thức thành Liên hoan Nghệ thuật GĐMT, hai năm tổ chức một lần nhằm tăng thêm thời gian đầu tư tác phẩm cũng như chuẩn bị tốt nhất các khâu tổ chức. Năm nay, mùa thứ 12, liên hoan tiếp tục khẳng định sự phát triển trong hợp tác quốc tế về nghệ thuật giữa HBSO với các nghệ sĩ tài năng trên thế giới và đặc biệt, chào đón nghệ sĩ piano lừng danh Đặng Thái Sơn.
Ngày hội của nghệ sĩ và người mộ điệu
Nếu thời kỳ đầu, GĐMT chỉ dàn dựng những trích đoạn hoặc tác phẩm nhỏ thì đến nay khán giả đã được thưởng thức những tác phẩm quy mô, vở diễn kinh điển cũng như được dàn dựng riêng cho HBSO.
Trong đêm khai mạc (17.8), khi nhạc kịch Yesterday's Memory (Ký ức ngày hôm qua) kết thúc, những tràng pháo tay của người xem chưa bao giờ vang dội và kéo dài đến thế (gần 10 phút). Đó là lần đầu tiên, một vở nhạc kịch trinh thám được sáng tạo bởi hai đạo diễn nhạc kịch nổi tiếng đến từ Đức: David Hermann (được biết đến qua các nhạc kịch lớn diễn tại TP.HCM: Cây sáo thần, Con dơi, Nhà thiện xạ) và Anna-Sophie Weber; huấn luyện thanh nhạc Askan Geisler và được chỉ huy bởi nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Nếu đạo diễn David Hermann mang đến không gian sân khấu biến đổi ấn tượng từ quán bar đến nhà xác, tòa án hay nghĩa trang để chuyển tải cuộc “đấu tranh” đầy kịch tính giữa thực và mộng, lòng tin và hoài nghi, sự thật và dối trá, thì Anna-Sophie Weber đã kết nối những đoạn đơn ca, song ca và hợp xướng của những nhà soạn nhạc nổi tiếng để lồng vào hành động các nhân vật, tạo nên sự xuyên suốt cho vở diễn. Hay ở đêm múa đương đại 23.8, vở The Rite of Spring (Mùa xuân thiêng liêng), với phần âm nhạc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Igor Stravinsky, lần đầu được biên đạo Hà Lan Joost Vrouenraets (từng dàn dựng vở Café Sài Gòn) và trợ lý - nghệ sĩ Marika Meoli dàn dựng riêng cho Đoàn vũ kịch HBSO, đã kết thúc trong tiếng vỗ tay vỡ òa tán thưởng của khán phòng Nhà hát TP.HCM.
Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng cho biết GĐMT được xem như ngày hội của nghệ sĩ trong và ngoài nước lẫn của người mộ điệu tại TP.HCM.
TP.HCM cần có liên hoan nghệ thuật xứng tầm
Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng cho biết: “Khi các tài năng quốc tế nhận lời tham gia GĐMT, họ không chỉ tìm hiểu về chương trình, mà còn về TP.HCM. Chúng ta thường kể cho ai đó những nơi mình đã đi, việc mình đã làm ở đấy… Bạn bè quốc tế cũng sẽ như thế. Với 12 mùa diễn, chẳng phải chúng ta làm được nhiều điều, để giới thiệu đến bạn bè quốc tế không chỉ về GĐMT, mà còn về một thành phố mến khách và giàu tình yêu nghệ thuật”.
|
Và, để tiếp tục xây dựng Liên hoan Nghệ thuật GĐMT trở thành sự kiện âm nhạc hàn lâm quốc tế hàng đầu tại TP.HCM, cũng như đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt công chúng trẻ như Sở VH-TT TP.HCM mong muốn, theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO: “Liên hoan cần có sự chỉ đạo trực tiếp từ UBND TP.HCM. Khi đó thì những yếu tố như kinh phí, quy mô cũng như việc mở rộng các loại hình nghệ thuật sẽ được tạo điều kiện hơn; đó là cơ sở để liên hoan nghệ thuật xứng tầm với thành phố lớn của cả nước”. Ông cho biết, sau mỗi mùa liên hoan, HBSO đều rút kinh nghiệm từ việc đánh giá nhu cầu thưởng thức của khán giả cho các loại hình biểu diễn. Bởi thực tế, có đêm diễn khán phòng chưa được lấp đầy, và theo ông điều đó phần nào phản ánh thực trạng “khán giả của mình vẫn chưa quen với liên hoan dài ngày với nhiều màu sắc”. Song ông cũng cho rằng: “Cũng như việc HBSO ban đầu mỗi tháng 1 buổi diễn, rồi tăng 3 buổi/tháng, khi xây dựng liên hoan như một thương hiệu nghệ thuật cho thành phố, có thể những mùa đầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn nhưng kết quả sẽ khả quan nếu chúng ta có chiến lược lâu dài và nỗ lực duy trì, cùng với sự quan tâm đúng mực từ lãnh đạo thành phố”.
Bình luận (0)