Giải mã bí ẩn về họ Khúc trong lịch sử

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
29/12/2019 08:45 GMT+7

Sáng 28.12 tại TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Hội đồng gia tộc họ Khúc Việt Nam và Quân khu 7 đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Họ Khúc trong lịch sử d ân tộc - Góc nhìn nghệ thuật quân sự ', giải mã về vai trò và vị thế của họ Khúc vào đầu thế kỷ 10.

Trong lịch sử nước ta, sự ra đời của chính quyền họ Khúc đánh dấu một mốc son quan trọng. Tuy nhiên, do hạn chế về sử liệu và những quan điểm khác nhau của giới sử học, cũng như những ghi chép trong thư tịch Việt Nam và Trung Hoa còn khá sơ lược, nên bức tranh lịch sử giai đoạn này còn rất nhiều điều cần được làm sáng tỏ.
Nói về Khúc Thừa Dụ (quê Ninh Giang, Hải Dương), TS Tống Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Với Kiến văn tiểu lục, có thể nói Lê Quý Đôn là người đầu tiên đã ghi nhận vai trò của Khúc Thừa Dụ và đề cập đến danh xưng Khúc tiên chủ (chúa). Sau này, thông tin về Khúc Thừa Dụ được biên chép thống nhất trong Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục...”.
Theo PGS-TS Trần Thuận (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): “Cuối thế kỷ 9, chính quyền T.Ư nhà Đường suy yếu nghiêm trọng, Khúc Thừa Dụ nhân cơ hội Giao Châu rơi vào tình trạng khủng hoảng đã dấy quân chiếm thành Tống Bình, tự xưng là Tiết Độ sứ, khởi đầu cho chính sách ngoại giao hết sức khôn khéo của người Việt đối với triều đình phong kiến phương Bắc, đó là “độc lập thực sự, thần thuộc trên danh nghĩa”. Ba đời Khúc chúa: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ đã nối nhau giành và giữ vững nền độc lập, tự chủ dân tộc trong suốt 51 năm cho đến khi Khúc Thừa Mỹ thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán năm 930”.
Dưới góc độ quân sự, trung tướng Phạm Đăng Khóa, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, cho rằng: “Văn hóa giữ nước đã có từ thời Tam Khúc chúa với nghệ thuật quân sự không chỉ chớp lấy thời cơ giành độc lập mà còn lo giữ đất nước ngay cả khi thái bình, với chính sách đối nội, đối ngoại vận dụng một cách đúng đắn, sáng suốt trong ấm ngoài êm”.
Ngoài ra, các tham luận cũng đi sâu vào làm rõ, phân tích, đánh giá những công lao trong việc đặt nền móng cho nền tự chủ của Khúc Thừa Dụ do người Việt tự trị, tự quản; đồng thời ghi nhận nhiều cải cách, nuôi dưỡng năng lực nội sinh của Khúc Hạo để “mở ra một bước phát triển mới cho xã hội sau một thời gian dài bị phụ thuộc”. Chính sách ngoại giao kết hợp với quân sự của Tam Khúc chúa, đặc biệt đến thời kỳ của Khúc Hạo, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, trong đó có vấn đề đối ngoại trở thành bài học mẫu mực và còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.