Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

13/10/2024 06:17 GMT+7

Xét trong làng múa lân thế giới, lân đến từ VN luôn trong nhóm đầu (top 3). Nghề lân vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay phát triển rực rỡ, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi du nhập thêm kỹ pháp mới để hòa hợp thị hiếu hiện đại. Các đoàn lân nở rộ, nhưng nghề chế tác đầu lân thì hãn hữu, nhất là những dòng lân truyền thống.

Múa lân là bộ môn nghệ thuật, cũng là nghề đặc biệt với truyền thống, lịch sử, văn hóa truyền đời, được người Hoa, trong đó có vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, lưu giữ và phát triển đến hôm nay. Câu chuyện lương y trẻ Huỳnh Gia Lương với những tác phẩm đầu lân tuyệt kỹ do anh chế tác và trình diễn cùng đồng môn ở đoàn lân Thắng Nghĩa Đường là một dị biệt.

Huỳnh Gia Lương: Nghệ nhân đầu lân trẻ tài ba của đoàn Thắng Nghĩa Đường - Ảnh 1.

Đoàn lân Thắng Nghĩa Đường và những tác phẩm đầu lân do Huỳnh Gia Lương chế tác

ẢNH: TL

Trong chiếc áo blouse trắng khi ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi ở Xanh Pôn, Bạch Mai…, anh là một lương y. Trên sàn đấu wushu giải "Võ động Bắc Kinh", anh là nhà vô địch 4 năm liên tiếp (2016 - 2019). Ở võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật và đoàn lân Thắng Nghĩa Đường, anh là truyền thừa, sẽ đảm nhiệm vị trí chưởng môn trong tương lai... Đó là những tóm tắt về Huỳnh Gia Lương - cũng là một người trẻ có lối chế tác đầu lân đầy khác biệt.

Tình cờ vào nghề

Khí chất tinh anh, thân pháp lanh lẹ, tính khí điềm đạm nho nhã của một "lương y từ mẫu", Huỳnh Gia Lương có xuất thân trong gia đình gồm ba anh em với cha là võ sư Huỳnh Chí Dân, chưởng môn đời thứ ba võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật. Tư tưởng võ phái định rõ "tam nghệ" gồm "văn - võ - y" thấm nhuần với Huỳnh Gia Lương từ thuở nhỏ. Du học tại Bắc Kinh theo ngành y từ 2015, sau khi tốt nghiệp, Huỳnh Gia Lương về nước và hiện trong giai đoạn thực tập tại các bệnh viện ở Hà Nội để chuẩn hóa bằng tốt nghiệp nghề y tại VN.

Huỳnh Gia Lương: Nghệ nhân đầu lân trẻ tài ba của đoàn Thắng Nghĩa Đường - Ảnh 2.

Huỳnh Gia Lương thi triển bài quyền Túy Bát Tiên của võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật

ẢNH: LAM PHONG

Hẹn gặp Huỳnh Gia Lương ngay khi anh vừa xong việc ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, câu chuyện của chúng tôi dần chuyển hướng vào múa lân, môn nghệ thuật mà Gia Lương gắn bó song hành cùng võ thuật từ thuở nhỏ. Bởi, Gia Lương là tác giả của những tác phẩm đầu lân đặc biệt, không chỉ mang hình hài lân thông thường mà ẩn chứa trong đó là nhân vật lịch sử, hay một loài linh thú, lối trang trí hoa văn, họa tiết, màu sắc là sự tiếp nối của mạch nền truyền thống, dân gian.

Việc chế tác đầu lân đến với Huỳnh Gia Lương như một tình cờ: "Đoàn lân Thắng Nghĩa Đường ngày trước không chế tác đầu lân, thường đặt người khác làm, nhưng chỗ quen đó họ giải nghệ. Cho nên tôi tự mày mò, cùng anh trai lên ý tưởng, tích truyện, lên thiết kế và bài diễn rồi tiến hành chế tác để cùng đi diễn".

Nghe Lương kể thật đơn giản. Tuy nhiên trong nghề lân, ai cũng biết hoàn thiện được một đầu lân không dễ dàng gì. Nhìn hình ảnh bên ngoài của con lân với sắc màu rộn ràng, tươi vui, nhưng khám phá kết cấu sẽ thấy tạo hình là vô vàn mối nối các thanh mây dài ngắn, cong thẳng, cùng hệ chuyển động, điều khiển… mà thành.

Trong lịch sử nghề lân, những đoàn lân khi thành lập thường không tự làm đầu lân sử dụng mà chọn thương hiệu hoặc người chuyên làm lân có thâm niên để đặt hàng. Chợ Lớn xưa nổi danh trong nghề làm đầu lân có lò Hồng Hạnh Hiên do tiên sinh Trương Tôn du nhập từ Quảng Đông (Trung Quốc), trú tại đường Triệu Quang Phục.

Kỹ thuật chế tác đầu lân luôn có những bí kíp chân truyền mà người ngoài khó có thể nắm bắt. Ngay cả các đoàn lân lớn ở Trung Quốc hay Singapore, Malaysia, Mỹ, Canada… dù có khả năng làm đầu lân nhưng vẫn quen đặt hàng một thương hiệu chế tác đầu lân nay đã truyền đến đời thứ 7 là Lê Gia (thường gọi là "Lê Gia Sư" - 黎家獅), ở vùng Phật Sơn, Quảng Đông. Lò Lê Gia có lịch sử chế tác lân cho Hoàng Phi Hồng, và sau này đoàn phim khi tái hiện vai diễn Hoàng Phi Hồng múa lân, các con lân trong phim cũng do lò Lê Gia thực hiện.

Huỳnh Gia Lương: Nghệ nhân đầu lân trẻ tài ba của đoàn Thắng Nghĩa Đường - Ảnh 3.

Gia Lương chế tác con lân Thanh Long trong bộ “Tứ lân thần thú”

ẢNH: TL

Lân xưa - lân nay

Là người chế tác đầu lân, cũng là người trình diễn các tiết mục múa lân của đoàn Thắng Nghĩa Đường, Huỳnh Gia Lương kể lại chuyện đầu lân ngày xưa: "Thời tôi còn nhỏ, và trước đó nữa, mỗi đoàn lân chỉ có 1 - 2 đầu lân thôi, người múa được lân phải là người giỏi võ, trình độ cỡ sư phụ hoặc huấn luyện viên mới được phép đụng vào đầu lân. Đầu lân khi đó lớn lắm, tôi cùng anh em có thể leo trèo lên đầu lân chơi đùa, hoặc chui vào trốn. Tính thứ tự lân chia 5 cỡ, ngày xưa các đoàn lân dùng cỡ số 1, trọng lượng từ 15 - 20 kg; bây giờ đa phần dùng cỡ số 3, trọng lượng giản lược chỉ còn khoảng 3 kg".

Huỳnh Gia Lương cho biết thêm: "Màu sắc của lân cũng thay đổi, ngày xưa lân chỉ hai màu trắng - đen là chủ đạo, bây giờ mọi người thích lân nhiều màu, phải là đỏ, vàng, rộn ràng, tươi vui, nếu không theo màu đó thì ít người gọi đi diễn".

Trọng lượng đầu lân xưa nặng, bởi lân không chỉ đi diễn, mà còn phải thích ứng với thực tế khi nhiều gia chủ treo tiền thưởng, đốt pháo, đầu lân phải được chế tác chắc chắn, khi lân hái lộc "ăn" phải pháo đùng, pháo đại cũng không hề hấn gì. Còn ở xã hội, đầu lân đại diện cho uy danh đoàn lân, nên khi xuất động được các thành viên bảo vệ nghiêm ngặt, nếu đầu lân hai đoàn đụng, húc nhau, bên nào hư hỏng trước coi như bên đó thua cuộc, lân được chế tác chú trọng độ bền chắc và nặng là vậy.

Huỳnh Gia Lương: Nghệ nhân đầu lân trẻ tài ba của đoàn Thắng Nghĩa Đường - Ảnh 4.

Từng chi tiết trang trí trên đầu lân, đều ẩn chứa một câu chuyện văn hóa thú vị

ẢNH: TL

Huỳnh Gia Lương: Nghệ nhân đầu lân trẻ tài ba của đoàn Thắng Nghĩa Đường - Ảnh 5.

Góc trưng bày lân ở Thắng Nghĩa Tổ Quán với những chú giải kỹ thuật làm đầu lân từng công đoạn

ẢNH: TL

Huỳnh Gia Lương: Nghệ nhân đầu lân trẻ tài ba của đoàn Thắng Nghĩa Đường - Ảnh 6.

Bộ sưu tập đầu lân do Huỳnh Gia Lương chế tác, trưng bày tại Thắng Nghĩa Tổ Quán, Q.11, TP.HCM

ẢNH: TL

Theo thời gian, nghề lân dần thay đổi, Chợ Lớn có hai trường phái lân. Trường phái Phật Sơn chuyên về các trận pháp dưới đất (địa bửu), lân múa theo hổ báo hình, tấn pháp vững chắc, di chuyển dũng mãnh, oai vệ, miệng vểnh. Trường phái Hạc Sơn thiên về các trận pháp trên không (thiên tài), lân múa theo miêu hình, nhẹ nhàng, thanh thoát, uyển chuyển, hợp với bài diễn "Lân lên mai hoa thung", miệng hình bán nguyệt… Nghệ thuật múa lân với các trận pháp "địa bửu" thường gắn liền với võ thuật, liên quan các thế tấn, di chuyển mã bộ, muốn thực hiện thuần thục cần thời gian khổ luyện nên không nhiều người theo.

Việc du nhập phong cách múa lân ở các nước khu vực như Malaysia, Singapore vào VN đã tạo nhiều thay đổi trong lối dụng trống, âm thanh, cùng những trận pháp như lên mai hoa thung (xuất xứ từ Malaysia), thiên về tính nghệ thuật được ưa chuộng. Lân nay không lo chuyện bị "ăn" pháo nữa, việc "đụng" nhau cũng không còn, nên đầu lân được chế tác giản lược chi tiết, nhẹ đi cho phù hợp nhu cầu sử dụng là vậy. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.