Thế giới từng tò mò về việc đốm sáng bí ẩn trên tiểu hành tinh Ceres có phải dấu hiệu của người ngoài hành tinh? Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Max-Planck (Đức) đã vén bức màn bí mật về hiện tượng này.
Đốm sáng bí ẩn trên tiểu hành tinh Ceres - Ảnh chụp màn hình NASA
|
Nhóm nghiên cứu tại phòng nghiên cứu hệ mặt trời thuộc Viện Nghiên cứu Max-Planck đã đo quang phổ và cho rằng 130 đốm sáng bí ẩn trên tiểu hành tinh Ceres là sunphat magiê bị hydrat hóa, một dạng muối vô cơ có chứa magiê, lưu huỳnh và ôxy, theo Daily Mail.
Các đốm sáng xuất hiện ở trung tâm hố va chạm Occator, đường kính khoảng 90 km, sâu 4 km.
Tàu vũ trụ Dawn trong sứ mệnh thăm dò tiểu hành tinh xa xôi này đã chụp lại chi tiết bề mặt cũng như miệng núi lửa và gửi hình ảnh về Trái đất.
Toàn bộ bề mặt Ceres có màu đen trông như nhựa đường nên đốm sáng có thể dễ dàng được nhìn thấy. Các đốm sáng bí ẩn đã thu hút mạnh mẽ các nhà khoa học khi họ phát hiện ra chúng hồi đầu năm 2015.
Ceres là tiểu hành tinh lớn nhất trong vành đai thiên thạch nằm giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc. Đường kính Ceres khoảng 950 km.
Các nhà khoa học từng phát hiện hơi nước gần thiên thể này, từ đó làm dấy lên mối quan tâm về thành phần cấu tạo và quá trình hình thành của Ceres.
Tàu vũ trụ Dawn thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang trong quá trình hạ độ cao, tiếp cận Ceres kéo dài 7 tuần. Nếu thành công, Dawn sẽ bay cách bề mặt tiểu hành tinh khoảng 380 km, khoảng cách gần nhất từ trước đến nay.
Bình luận (0)