Giải mã hình hoa trên trống đồng Thanh Hóa

03/03/2022 07:17 GMT+7

Hiện nay tỉnh Thanh Hóa là nơi tìm được số lượng trống đồng nhiều nhất so với các nơi, trong đó có những nhóm trống đẹp nhất, có niên đại xưa nhất đến những trống muộn, chuyển tiếp sang các loại trống sau Đông Sơn .

Trong công trình nghiên cứu Trống đồng Thanh Hóa của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa năm 2013, các tiêu bản được đem ra phân tích nghiên cứu với số lượng là 142 trống. Trong đó, đáng chú ý là có khá nhiều trống trang trí hình hoa, mà tiêu biểu nhất là trống Thạch Lâm và Thọ Diên. Các hình hoa này có ý nghĩa gì?

Trống Thạch Lâm, trích trong Trống đồng Thanh Hóa (ảnh 1)

Trống Thạch Lâm, trích trong Trống đồng Thanh Hóa (ảnh 2)

Trống Thạch Lâm

Được đăng trong công trình nghiên cứu nêu trên, nhưng do được khảo tả quá vắn tắt nên tôi chọn bài Nhóm trống đồng mới sưu tầm của tác giả Nguyễn Thanh Hiền (công tác tại Bảo tàng Thanh Hóa), đăng trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012, tr. 179 - 181, của Viện Khảo cổ học. Bài báo này nói về 3 chiếc trống đồng được phát hiện ở Thanh Hóa, đó là trống Quảng Phú, trống Thạch Lâm, trống Thạch Quảng, trong đó được quan tâm nhất là trống Thạch Lâm (ảnh 1), bởi trên mặt trống có một bông hoa lớn ở chính giữa, thay vì phải là biểu tượng mặt trời ở vị trí này (ảnh 2). Nhận thấy đây là vấn đề cần được giải mã và trước khi đi vào vấn đề, tôi xin trích dẫn lại phần khảo tả của trống Thạch Lâm như sau.

Trống được phát hiện tháng 11 năm 2011 tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Trống bị ô xy hóa, mặt có 2 lỗ thủng nhỏ và vết rạn chạy quanh 1/2 u nổi tâm trống, phần chân có vết xước, 2 lỗ thủng nhỏ và 2 vết nứt nhỏ. Nhiều chỗ hoa văn mờ. Đường kính mặt 41 cm, đường kính chân 36 cm, cao 25 cm, trọng lượng 10,2 kg.

Mặt trống: Chờm khỏi tang 2,5 cm. Chính giữa mặt trống là hình bông hoa sen gồm 13 cánh mập, đầu cánh hơi nhọn, nhụy hoa nổi tròn cân đối. Tính từ tâm ra có 5 vòng hoa văn, ngăn cách các vòng hoa văn là những đường chỉ nổi. Vòng 1: Trang trí hoa văn hình bông hoa nhiều cánh, các cánh hoa nhỏ. Vòng 2: Hoa văn lá đề bên trong có gân nổi rõ, lá đề mũi nhọn quay ra ngoài, xen kẽ lá đề là hoa văn trám lồng. Vòng 3: Trang trí hoa văn hình bông hoa nhiều cánh được giới hạn bằng hình lục giác kép, kết thúc băng hoa văn nhiều cánh là một hoa văn trám lồng. Vòng 4: Trang trí hoa văn lá đề mũi nhọn quay vào tâm. Vòng 5: Trang trí hoa văn trám lồng.

Mặt trống có 3 khối tượng cóc quay ngược chiều kim đồng hồ (ở vòng 4).

Tang trống từ trên xuống có các vành hoa văn: 1/ trang trí hoa văn lá sồi kép, mũi quay xuống, 2/ hoa văn trám lồng, 3/ hoa văn lá sồi kép, mũi quay xuống, 4/ hoa văn hình bông hoa nhiều cánh.

Trống có 2 đôi quai đơn lệch, hình chữ U gắn ở phần tang. Trống được đúc bằng khuôn 3 mang (1 mang mặt, 2 mang thân), kỹ thuật kiểu thấu kính.

Phần nhận xét của tác giả: Trống Thạch Lâm thuộc loại II Heger – Nhóm C2, có niên đại khoảng thế kỷ XII - XV. Địa điểm phát hiện trống Thạch Lâm nằm trong khu vực cư trú của đồng bào Mường.

Trống Thọ Diên, trích trong Trống đồng Thanh Hóa (ảnh 3)

Trống Thọ Diên

Nằm trong công trình nghiên cứu Trống đồng Thanh Hóa nêu trên (ảnh 3), với lời tóm tắt như sau: Thuộc nhóm C2. Phát hiện năm 1992, tại xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đường kính mặt 38,1 cm, đường kính chân 38,1 cm, cao 23,6 cm, nặng 12 kg. Tương đối nguyên vẹn. Mặt hình bông hoa 15 cánh, không nhìn rõ hoa văn, 3 khối tượng cóc (chỉ còn 1) quay ngược chiều kim đồng hồ. Toàn thân không rõ hoa văn (tr.193, 194).

Những vấn đề đặt ra và nhận định

Như chúng ta đã biết, nói đến trống đồng thì bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh mặt trời, bởi đó là biểu tượng không thể thiếu của trống. Thế nhưng, điều thú vị của trống Thạch Lâm và Thọ Diên lại cho thấy hoàn toàn khác, đó là được trang trí chủ đạo về hoa. Đặc biệt là bông hoa lớn ở giữa mặt trống (Nguyễn Thanh Hiền cho là hoa sen ở trống Thạch Lâm) được trang trí thế vào chỗ mà đáng lý ra phải là mặt trời. Như vậy, vấn đề được đặt ra ở đây hoa đó là loại hoa gì và có liên quan với mặt trời như thế nào, sự “soán ngôi” này mang ý nghĩa gì và tại sao?

Để trả lời cho những vấn đề nêu trên, xét về hoa ở giữa mặt của 2 trống cho thấy rất giống hoa cúc nhất là loại cúc đồng tiền bởi cũng với đặc điểm cánh bầu hơi nhọn, đồng thời cũng giống với hoa cúc được thể hiện trên các di vật ở thời Lý (1010 - 1225), như bộ đĩa vàng Cộng Vũ (được tạo tác có hình hoa cúc, hiện là Bảo vật quốc gia), trên tượng và bệ tượng Kim Cương chùa Long Đọi Sơn, trên các tượng đầu người mình chim ở chùa Phật Tích và một số đồ gốm. Như vậy, hoa giống với hoa cúc được thế chỗ của mặt trời nêu trên thì không thể là loại hoa nào khác ngoại trừ hoa cúc, bởi hoa cúc là biểu tượng của mặt trời (Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, tr.222).

Mặt trời và hoa cúc trên trống Na Dương, trích trong Dong Son drums in Viet Nam (ảnh 4)

Về các hoa mà tác giả Nguyễn Thanh Hiền miêu tả ở trống Thạch Lâm có nhiều cánh nhỏ ở vòng 1, 3 (ảnh 2): Qua xem xét cho thấy kiểu thức thể hiện rất giống với hoa cúc ở trong lòng những chiếc bát gốm men trắng thời Lý, và đây cũng chính là hoa cúc.

Thực ra thì ngay ở trống Đông Sơn, nhất là các trống ở nhóm C, Đ (theo phân loại trong Dong Son drums in Viet Nam của Viện Khảo cổ học hợp tác với Nhật xuất bản năm 1990), biểu tượng mặt trời đã được thể hiện rất rõ với hoa cúc ẩn hiện ở phía sau một cách rất nghệ thuật (ảnh 4). Vì vậy, hoa cúc xuất hiện ở hai trống Thạch Lâm và Diên Thọ cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ vẫn cho thấy yếu tố mặt trời ở các cánh hoa. Lý do hai trống này được trang trí chủ đạo về hoa cúc có thể được hiểu, đó là niềm khát vọng về cuộc sống hạnh phúc ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi nảy nở, bởi hoa cúc còn là ý niệm về sự viên mãn và trường tồn. Và, cũng có thể đây là sự phân định đẳng cấp, đơn cử như ở triều Nguyễn mũ của quan thì trang trí hoa cúc, mũ miện của vua thì vừa là mặt trời vừa là hoa cúc, tức là 2 trống ở đây thuộc chủ nhân có địa vị tương đương với quan lại. Nếu đúng như vậy thì triều Nguyễn đã kế thừa hình tượng này.

Nhìn chung, với lối thể hiện hoa cúc trên trống Thạch Lâm và Diên Thọ đã chỉ ra rằng, ngoài là một trong những bằng chứng điển hình về mối liên quan giữa hoa cúc và mặt trời ra, còn mở ra hướng nghiên cứu mới, nhận thức mới cho cả trống ở thời kỳ Đông Sơn.

Cảm ơn TS Lê Đình Phụng và nhà nghiên cứu Đông Nguyễn mách cho tài liệu trong bài viết này!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.