'Giải mã' lý do người trẻ ghiền... hít dầu gió

Thanh Nam
Thanh Nam
13/01/2024 16:00 GMT+7

Có những người trẻ thừa nhận là… không thể sống thiếu dầu gió. Họ "lậm" dầu gió đến nỗi hít liên tục ở mọi nơi. Họ bảo chẳng mê gì, chỉ ghiền dầu gió.

"Vật bất ly thân"

Trần Thị Hương Thanh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết lúc nào cũng mang bên mình chai dầu gió. Thỉnh thoảng, Thanh lại mở nắp chai dầu gió và hít. "Nói thì thỉnh thoảng. Nhưng thỉnh thoảng một cách thường xuyên", Thanh kể.

Theo Thanh, cách đây hai năm, trong một lần bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, đã dùng dầu gió xoa nhằm chống lạnh. Kể từ đó đã bị mùi của dầu gió mê hoặc. Dần dần trở thành thói quen không thể bỏ.

Thanh không phải là trường hợp ngoại lệ, mà nhiều người, cả nam lẫn nữ, cũng thú thật cực kỳ thích hít dầu gió.

'Giải mã' lý do người trẻ ghiền... hít dầu gió- Ảnh 1.

Nhiều người trẻ cho biết rất thích hít dầu gió nên sử dụng bất kể không gian

THANH NAM

Đỗ An, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), cho hay: "Nếu trước kia mình chỉ sử dụng để xoa lên người mỗi khi bị bệnh. Nhưng khoảng một năm nay, mình ghiền hít dầu gió".

An giải thích: "Rất khó để nói về lý do cho thói quen hít dầu gió. Chỉ có thể nói là hít một lần nhớ mãi, hít nhiều lần đã ghiền luôn". Theo nam sinh viên này, trong nhóm bạn chơi chung 16 thành viên, ai cũng có sở thích tương tự.

Hạ sĩ Lê Trọng Đại, đang tham gia nghĩa vụ tại một đơn vị thuộc Công an TP.HCM, cho biết: "Mình mê mùi dầu gió lắm. Ban đầu mình hít nhằm thông mũi. Nhưng dần dần phát hiện là không thể sống thiếu dầu gió. Trong đơn vị mình, nhiều người có chung thói quen".

Trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều cộng đồng dành cho những tín đồ yêu thích hít dầu gió. Hội, nhóm nào cũng thu hút đông đảo thành viên. Tại đây, họ thường xuyên chia sẻ cho nhau những loại dầu gió có mùi dễ chịu, rủ gặp mặt để cùng… hít hà dầu gió.

Anh Nguyễn Tấn Phát (34 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Công nghiệp thương mại Minh Nghệ, TP.Thủ Đức, TP.HCM, nói: "Tôi không thích hút thuốc, chẳng uống rượu, bia. Tôi cũng không mê cà phê. Tôi chỉ ghiền hít dầu gió".

"Nếu để lý giải cặn kẽ thì không biết phải diễn tả như thế nào. Nhưng quả thật, mùi dầu gió đã hớp hồn tôi suốt nhiều năm qua. Lúc nào trong túi quần cũng có chai dầu gió. Và tôi sử dụng bất kể mọi nơi", anh Phát nói.

Thành "trend"

Nếu trước đây chỉ có những thương hiệu quen thuộc và phổ biến như: Phật Linh, Kim Linh, Thiên Thảo (dầu gió xanh), Siang Pure Oil (dầu gió đỏ), Eagle Brand (dầu gió khuynh diệp)… thì hiện nay thị trường dầu gió đã có những sự thay đổi.

Chính từ sở thích hít dầu gió của nhiều người trẻ, không ít thương hiệu dầu gió mới đã ra đời để "bắt trend", đáp ứng nhu cầu của người dùng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hàng loạt loại dầu gió có nguồn gốc từ nước ngoài như: Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông… được người trẻ đi du lịch đã mua về để sử dụng cũng như kinh doanh, bán lại cho người có cùng sở thích.

'Giải mã' lý do người trẻ ghiền... hít dầu gió- Ảnh 2.

Nhiều hội, nhóm dành cho những tín đồ mê hít dầu gió

CHỤP MÀN HÌNH

Hà Nhật Mai, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng không thể phủ nhận việc giới trẻ, đặc biệt là gen Z đã và đang có sở thích ghiền hít dầu gió. Trước đây, dầu gió chỉ được dùng để xoa khi bị bệnh. Còn giờ, dầu gió được người trẻ chuộng sử dụng hơn rất nhiều.

"Giải mã" lý do người trẻ ghiền hít dầu gió, nữ sinh này nói: "Gen Z đi học, làm việc ở những không gian gắn máy lạnh nên mũi khó chịu. Họ cần thông mũi, và trong dầu gió có tinh dầu khuynh diệp giúp tháo gỡ chuyện đó. Trước đây, thế hệ Y, X thường lo lắng bởi sợ người khác kỳ thị hoặc ghét nếu sử dụng dầu gió tạo ra mùi. Còn gen Z thì có vẻ như vượt qua được rào cản đó, họ không ngần ngại mở nắp chai dầu gió và thoải mái sử dụng nơi nhiều không gian khác nhau như: quán cà phê, lớp học, công ty, chốn công cộng".

Cũng theo Nhật Mai, còn có những lý do khác khiến nhiều người trẻ mê đắm mùi dầu gió: "Gen Z rất thích sưu tầm mùi hương. Và hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại dầu gió có những mùi khác nhau như: cam, bạc hà, xá xị, sả, chanh… Chưa kể, giá mỗi chai dầu gió rất rẻ, phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên, người trẻ vừa ra trường chưa có thu nhập cao. Bên cạnh đó, hít dầu gió giúp người trẻ tỉnh táo hơn trong lúc học bài, làm việc. Đấy là chưa kể việc có nhiều người trẻ xem việc hít dầu gió như một trò tiêu khiển, giải trí thời thượng. Và khi thấy bạn bè xung quanh sử dụng, nhiều người sẽ bắt chước, cũng sẽ hít dầu gió và vô tình tạo thành trào lưu".

Tại các nhóm ghiền dầu gió trên Facebook, nhiều người kể "chuyện thật như đùa", là họ đi bar, pub cũng mang theo dầu gió để hít.

'Giải mã' lý do người trẻ ghiền... hít dầu gió- Ảnh 3.

Mùi dầu gió "hớp hồn" nhiều người trẻ

THANH NAM

Bác sĩ Hoàng Anh Quân, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, Q.10, TP.HCM, cho biết: "Tôi có hai đứa con đang học lớp 11 và sinh viên năm 2. Cả hai đứa đều ghiền hít dầu gió".

Theo bác sĩ Quân, trong dầu gió có các thành phần là menthol, eucalyptol và camphor… Khi sử dụng thường xuyên, liên tục, hít dầu gió quá nhiều có thể để lại một số hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng như: khô niêm mạc làm tổn thương khoang mũi, hoặc dẫn đến tình trạng khó thở, tăng huyết áp, chóng mặt hoặc một số vấn đề về hô hấp.

"Lời khuyên của tôi là đừng quá lạm dụng. Thỉnh thoảng hít dầu gió thì không có vấn đề gì, chẳng để lại tác hại cho sức khỏe. Còn khi hít dầu gió nhiều, cảm thấy rát trong mũi hoặc nhận ra những bất ổn thì có thể chủ động dừng lại hoặc giảm tần suất sử dụng", bác sĩ Quân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.