"HIỆN TƯỢNG KHÁCH QUAN"
Mới đây, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc nhóm tháp Chăm Khương Mỹ ở xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành, Quảng Nam) đã nhận được báo cáo từ Viện Khoa học công nghệ xây dựng (KHCNXD, đơn vị thi công).
Kết quả phân tích cho thấy đất sản xuất gạch phục chế có hàm lượng muối hòa tan rất thấp nên không chứa tác nhân gây muối và mủn gạch. Do đó, gạch phục chế đưa vào tháp hầu như không chứa muối hòa tan nên không phải nguyên nhân khiến khối xây mới bị nổi muối và mủn. Ngoài ra, gạch phục chế có cường độ nén và khối lượng thể tích cao hơn so với gạch cổ nên chất lượng hoàn toàn đảm bảo.
Tuy nhiên, tháp Chăm Khương Mỹ cách biển khoảng 7 km theo đường chim bay, trải qua hơn 1.000 năm lượng muối Na2SO4 và NaCl tích tụ trong thân tháp rất lớn. Hai loại muối này cộng với tác động của nhiệt độ, độ ẩm và môi trường không khí biển đã ăn mòn gạch, gây mủn và tích tụ muối. Khi mưa xuống, nước mưa mang theo muối từ bề mặt mủn phía trên chảy xuống khối tháp xây mới phía dưới. Do mưa không rửa trôi hết muối trên bề mặt, nên khi trời nắng nước bốc hơi làm các tinh thể muối lộ ra thành từng mảng trắng. Khu vực tiếp xúc giữa khối xây mới và cũ ngoài việc bị muối bao phủ còn thường xuyên bị tích ẩm, gây ăn mòn liên tục. Đây là lý do khiến gạch phục chế bị mủn với tốc độ rất nhanh.
Viện KHCNXD khẳng định có sự dịch chuyển muối hòa tan trong lòng khối gạch cũ ra ngoài khối xây mới theo lỗ rỗng mao quản. Hiện tượng muối và mủn là khách quan, xảy ra trên các tháp Champa ven biển và khu vực ăn mòn khí quyển biển. Hiện tượng này gần như không thể khắc phục nếu vẫn sử dụng giải pháp dùng gạch phục chế.
Để khắc phục, đơn vị này đưa ra giải pháp vệ sinh định kỳ bề mặt khối xây phục chế để loại bỏ muốn bám trên bề mặt, giảm bớt nguy cơ muối tích tụ ăn sâu vào trong khối. Ngoài ra, cần thay thế một số viên gạch phục chế bị mủn ở vùng tiếp giáp với khối xây cũ bằng gạch nung già 1.000 - 1.050 độ C.
Đối với các dự án chưa thực hiện, Viện KHCNXD đề xuất tư vấn thiết kế đưa vào quy trình bảo quản chống thấm ẩm và rêu mốc toàn bộ tháp cả trong lẫn ngoài. Quá trình chống rêu mốc nên loại bỏ tạp chất, chất độc hại trên và dưới bề mặt khối xây cổ; sau đó làm khô và xử lý chống thấm ẩm, rêu mốc. Khi thấy muối, vôi trắng xuất hiện nhiều trở lại thì cho bảo quản lặp lại.
QUY TRÌNH NGƯỢC
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Lê Trí Công cho rằng hiện nay tất cả công trình Champa ven biển đều nhiễm muối, kể cả công trình sâu trong đất liền như ở Mỹ Sơn cũng có nhưng lượng muối ít hơn. Bởi trải qua hàng nghìn năm, mưa nắng mang theo hơi nước biển vào ngấm, bão hòa trong gạch. Riêng tháp Chăm Khương Mỹ có thể nhận định lượng muối không hẳn từ hơi nước biển mà bị nước ngầm thấm ngược lên tháp.
Theo ông, nguyên nhân mà Viện KHCNXD đưa ra (do muối lan từ gạch cũ sang gạch mới) cũng đúng, nhưng cách làm lại... sai. Đáng lẽ trước khi tu bổ, bảo tồn thì phải khảo sát trước lượng muối trong tháp để tìm cách khử. Còn làm xong hết rồi, giờ quay lại đưa ra nguyên nhân khắc phục thì là quy trình ngược. "Cách đây cả chục năm họ đã biết trong tháp có muối rồi, nhưng sao không đề xuất khử trước mà vẫn cố phục chế, tu bổ? Việc tu bổ kiểu này thì khối sau nhiễm muối khối trước là điều đương nhiên, theo thời gian gạch cũng sẽ mủn nát trở lại", ông Công nói.
Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng Viện KHCNXD đưa ra nguyên nhân (do tháp Khương Mỹ nằm gần biển) là chưa thuyết phục. Bởi các tháp Chăm ở Mỹ Sơn dù không nằm gần biển nhưng vẫn có tình trạng muối hóa. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến muối hóa nằm trong trong lòng viên gạch, chứ không phải yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho biết hiện tượng thấm nước khiến cho gạch trên thân tháp Chăm Khương Mỹ ở độ cao khoảng 3,5 m trở xuống bị mủn nát, tự phân hủy đã xuất hiện hàng chục năm qua. Nguyên nhân được nhận định là do ảnh hưởng của việc thẩm thấu mạch nước ngầm chảy qua nền móng tháp, dẫn đến gạch bị nát dần. Vào mùa hè, gạch bị bào mòn vì gió, mùa mưa lại xảy ra hiện tượng nước rửa trôi phần gạch đã bị nát. Việc thân tháp có nhiều vết lõm xuất hiện được gọi là mủn gạch.
Theo ông Cẩm, từ giữa năm 2012, trung tâm đã lắp đặt một đường ống dẫn cỡ lớn để gom nước từ con mương, mục đích giảm mực nước ngầm tầng nông chảy qua đế tháp. Khi công trình hoàn thành, hiện tượng thấm nước gần như dừng hẳn, bề mặt 3 ngọn tháp đã khô ráo. Nhưng theo ông, đây chỉ là cách giải quyết vấn đề mương thủy lợi, riêng mạch nước ngầm thì cần phải có giải pháp lâu dài.
CẨN "LỚP ÁO" BẢO VỆ TƯỜNG GẠCH SAU TU BỔ
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Lê Trí Công cho rằng giải pháp căn cơ, lâu dài nhất khi tu bổ các đền tháp Chăm ven biển miền Trung là phải tìm ra cách để khử được muối trước. Bởi hiện nay lượng muối trên các đế tháp rất cao, nếu không khử thì khi đưa gạch mới vào cũng bị muối hóa, mủn… Về lâu dài, khi lượng muối thấm vào trong gạch sẽ nở ra rồi phá vỡ kết cấu gạch khiến tháp sẽ bị đổ sập theo thời gian. Ngoài ra, khi công trình đã phục hồi, tu bổ xong thì cần một "lớp áo" bảo vệ bên ngoài tường gạch để muối không xâm nhập trở lại nữa. "Để bảo vệ lớp gạch, trước đây người Chăm có một biện pháp là quét lớp dầu rái lên bề mặt tháp, như một lớp sơn bảo vệ bề mặt gạch rất hiệu quả. Đáng chú ý, Ấn Độ có một giải pháp khử muối đơn giản nhưng rất hiệu quả, đó là trộn cellulose (dạng bột giấy) với nước rồi quét lên bề mặt gạch. Khoảng 1 tháng sau, khi lớp này khô đi sẽ hút hết muối", ông Công chia sẻ.
Di tích tháp Chăm Khương Mỹ gồm cụm 3 tháp kề nhau xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10, được công nhận di tích quốc gia vào năm 1989. Với tuổi đời cả nghìn năm, đến nay cụm tháp xuống cấp nghiêm trọng. Cuối tháng 10.2019, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án bảo tồn tháp Bắc và tháp Giữa với tổng kinh phí 12,6 tỉ đồng. Tháng 12.2022, dự án hoàn thành. Nhưng khoảng 6 tháng sau, gạch tại nhiều mảng tường mới đã bị rêu mốc, muối hóa bề mặt (Thanh Niên ngày 22.5.2023 phản ánh trong bài Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị "muối hóa" sau trùng tu).
Bình luận (0)