'Giải mã' thực trạng đáng báo động về quay lén

Thanh Nam
Thanh Nam
21/07/2022 06:00 GMT+7

Ngày có càng nhiều vụ việc quay lén hoặc rò rỉ hình ảnh cá nhân nhạy cảm trên các mạng xã hội , internet là thực trạng đáng báo động. Nguyên nhân chính là sự phổ biến của các thiết bị máy móc hiện đại bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi xấu.

Quấy rối tình dục, hành vi bệnh hoạn

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu

NVCC

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho rằng: “Dĩ nhiên, mục đích của những hành vi này thì khá đa dạng, có thể thỏa mãn những sở thích lệch lạc cá nhân, mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm của một ai đó hoặc có thể tống tiền, uy hiếp người khác thực hiện theo mong muốn của kẻ xấu. Hay đơn giản chỉ là để thỏa mãn việc đăng lên mạng xã hội và câu view. Đấy cũng là một dạng quấy rối tình dục, là hành vi bệnh hoạn, là dạng tâm thần phức tạp, rối loạn cả về tâm lý và sinh lý. Và dù xuất phát từ mục đích nào thì hành vi này cũng hoàn toàn không đúng về mặt đạo đức và vi phạm về mặt pháp luật”.

Những thiết bị quay lén ngày càng được bán nhiều trên thị trường, kẻ xấu đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi vi phạm

X.P

Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng việc quay lén người khác nhằm phát tán rộng rãi trên mạng và nhất là các trang web đen đang là trào lưu đáng báo động. Mà đã là “mốt” thời thượng thì nội dung càng “độc” càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và vì thế càng tạo điều kiện để thể hiện cái tôi. Hoặc cũng có những trường hợp bệnh hoạn thích nhìn ngắm những bộ phận cơ thể của người khác. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, các thiết bị quay lén ngày càng tinh vi đã giúp thực trạng này ngày càng phát triển.

Luật sư Diệp Năng Bình

NVCC

Luật sư Bình nói: “Nhiều người sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại có tính năng chụp ảnh, quay phim. Chỉ cần vài thao tác, một clip được sản xuất, và cần thêm vài thao tác nữa thì clip đó có thể được đăng lên không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội”.

Ông Bình cho biết thêm một bộ phận giới trẻ thiếu quá nhiều kỹ năng sống căn bản để tự bảo vệ mình trước những trào lưu lệch chuẩn, để mặc cho các cảm xúc tiêu cực kiểm soát hành vi và thái độ của mình, khiến họ trở nên nhẫn tâm hơn trước nỗi đau của người khác. Đây không chỉ là lỗ hổng về giáo dục nhân cách mà còn là sự thiếu hụt kiến thức trên nhiều phương diện, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật.

“Đối với người tung video clip, hành động này thể hiện sự vị kỷ, hiếu thắng nhất thời, mục đích làm đối phương bị sụp đổ về mặt tinh thần nên chấp nhận cả cách ứng xử mang tính ác nghiệt, không màng suy xét đến hậu quả lâu dài”, luật sư Bình chua xót.

Vi phạm pháp luật

Theo luật sư Bình, luật pháp quy định rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đối với trường hợp khi nguồn gốc của hình ảnh là từ quay trộm và hình ảnh được quay lại thuộc phạm vi đời sống riêng tư thì đây là một trong những phạm vi được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Việc quay trộm của các chủ thể thực hiện quay lén bị coi là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư.

“Hành vi quay lén trong nhà vệ sinh đã ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, nếu mức độ ảnh hưởng đủ nghiêm trọng, hành vi này sẽ bị truy cứu về tội Làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Khung tăng nặng của tội phạm tại khoản 3 của điều này (mức phạt nặng nhất) có thể lên đến 5 năm tù nếu như gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, hoặc làm nạn nhân tự sát”, luật sư Bình thông tin.

Ngoài ra, cũng theo ông Bình, ở điều 326 bộ luật này còn quy định người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy... thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ở khung tăng nặng của tội phạm này, mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù giam.

“Như vậy, hai tội mà người quay lén có thể phải đối diện là: Tội làm nhục người khác và Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Trong trường hợp nếu hành vi chưa nghiêm trọng đến mức xử lý hình sự, thì kẻ có hành vi quay lén có thể bị phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng”, luật sư Bình nói.

Vị luật sư này khuyến cáo, với các nạn nhân, khi phát hiện bị quay lén, hoặc lộ video clip nhạy cảm bị quay lén lan truyền lên mạng, thì họ có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Một cán bộ công an thuộc Công an TP.HCM cũng cho biết nạn nhân của hành vi quay lén nên tố cáo để cơ quan chức năng có cơ sở điều tra, xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.