Đó là nhận xét của Nguyễn Ngọc Phương Thảo, sinh viên năm 2, ngành Luật tại Học viện Cán bộ TP.HCM, về đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, vừa diễn ra sáng nay 7.7. Phương Thảo từng là học sinh chuyên văn, đoạt huy chương bạc Olympic 30 tháng 4 môn ngữ văn khối 10, 11 TP.HCM; giải nhì học sinh giỏi môn văn TP.HCM lớp 12, năm học 2018-2019.
|
Nữ sinh viên đánh giá: “Ở phần đọc hiểu, đề bài cho câu chuyện về bí mật của nước, nước sinh ra từ những dòng chảy nhỏ dọc trên những dãy đất cho đến thành suối, gặp nhiều người, trải qua nhiều chuyện để thành sông, rồi hướng ra biển, để lại cho thiên nhiên những vùng châu thổ màu mỡ. Vẻ đẹp ấy là sự cống hiến, sự sống có ích của cuộc đời của một dòng sông trên thế giới này”.
Theo nhận định của Phương Thảo, các câu hỏi thuộc dạng cảm nhận, nêu nội dung, ý nghĩa mang lại từ đoạn trích, câu trích. “Với câu hỏi như vậy, đọc kỹ và suy ngẫm đề sẽ hiểu được và các bạn sẽ trả lời được ý chính, các bạn cần viết vào trọng tâm câu hỏi, nêu bật nên quan điểm của mình. Đặc biệt với câu hỏi rút ra bài học cuộc sống, nêu lên được hành trình của dòng sông và so sánh với cuộc đời của con người, phải có trải nghiệm, gặp nhiều người và cống hiến, lao động và sống có ích như thế nào, chúng ta học được gì và sẽ làm gì từ điều mà chúng ta nhận ra được”.
|
Còn ở phần làm văn, theo Phương Thảo, đoạn văn với yêu cầu viết về “Lẽ sống” cũng là hướng mở cho thí sinh. “Nếu viết về quan điểm sống của bản thân, mục tiêu sống và làm việc, bản thân đã làm được gì để nói lên được lẽ sống của mình thì càng hay”, Phương Thảo chia sẻ.
Còn phần nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh với bài thơ Sóng thì Phương Thảo cho rằng: “Đây là một bài thơ rất tiêu biểu trong chương trình 12 và rất hay. Ở đây cần phân tích về cảm xúc, tình cảnh của nhân vật trữ tình - người con gái trong thơ, nói lên nét đẹp của họ, cách mạnh dạn thể hiện tình cảm, cách bộc lộ cái tôi rất đẹp với tình yêu mãnh liệt trong thơ mà hiếm có người phụ nữ nào thể hiện được”.
Tuy nhiên, Phương Thảo nói: “Thí sinh cần làm nổi bật “vẻ đẹp nữ tính” khi phân tích để không bị lỗi phân tích suông bài thơ, cần đưa những nhận định của bản thân về nghệ thuật, câu từ trong bài thơ để thể hiện được sự “nhận xét” của mình. Thí sinh cũng cần nêu cụ thể quan điểm bản thân về cách viết thơ của Xuân Quỳnh khi nói về niềm mong nhớ tình yêu trong thời điểm này, làm bật lên sự cá tính mà cũng vô cùng nữ tính của thơ Xuân Quỳnh”.
Bình luận (0)