Giải pháp cho an toàn thực phẩm học đường

28/11/2022 06:00 GMT+7

An toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và chất lượng bữa ăn học đường nói riêng, luôn được người dân quan tâm. Sau vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trong trường học mới đây ở Nha Trang, bạn đọc kiến nghị nhiều giải pháp.

Ngày 25.11, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ đạo, giao Phòng Chính trị tư tưởng của Sở tăng cường tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, an ninh trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), công tác tư vấn học đường tại các trường học.

Trao đổi với báo chí về vấn đề đảm bảo ATVSTP học đường, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay trường học là đối tượng ưu tiên trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP. Đơn vị này đề nghị trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn về ATVSTP nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến. Bên cạnh đó, đề nghị nhà trường thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học và cơ sở cung cấp suất ăn cho trường nhằm ngăn ngừa ngộ độc tập thể, sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên.

Món ăn ngon, an toàn hằng ngày là mối quan tâm của nhiều người

Trí Minh

An toàn từ xuất xứ đến bảo quản, chế biến

Bạn đọc (BĐ) Trung Thuan chia sẻ: “Mỗi khi có vụ ngộ độc thực phẩm, chuyện an toàn thực phẩm lại được nhắc đến, rồi lại chìm xuống, điều này cũng dễ hiểu vì cuộc sống còn bao nhiêu vấn đề khác. Nhưng chỉ mong số vụ ngộ độc thực phẩm giảm dần, mức độ ngày càng thấp, chứ không phải thỉnh thoảng lại bùng lên sự cố lớn”.

Nhiều BĐ đề xuất biện pháp để góp phần bảo đảm ATVSTP. “Hàng quán, công ty, xí nghiệp nấu số lượng lớn liên tục nên thường trữ thực phẩm nhiều ngày. Thực phẩm trong tủ lạnh gia đình mà sơ suất cũng có thể thiu ôi, chảy nước, lên mốc, nói gì thịt cá chất chồng trong tủ của những nơi nấu cho nhiều người. Vì vậy, khâu bảo quản rau củ thịt cá rất quan trọng, cần phải làm sạch, phân loại rồi bảo quản ở nhiệt độ phù hợp cho từng loại”, BĐ Lương Ngọc Hoa nêu ý kiến.

BĐ Nguyenchihiep2001 đề nghị thử nhanh mẫu thịt cá trong trường hợp chế biến cho nhiều người: “Thực phẩm thịt cá nên có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cần gửi mẫu đi test nhanh trước khi sử dụng trong trường hợp phục vụ số lượng người quá 100, thì mới ổn định, an toàn. Vì nếu không may xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm, với số bệnh nhân lớn như vậy thì không bệnh viện nào xử lý kịp”.

BĐ Blackrose cho rằng: “Trên lý thuyết, có nhiều cách để bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm tra nguồn gốc, chế độ bảo quản, nhưng cái tâm của người nấu nướng mới mang tính quyết định. Họ phải nghĩ mình đang nấu cho bản thân, cho người thân thì món ăn mới sạch sẽ, an toàn trước khi nói đến chuyện ngon dở”.

Cần công cụ đo lường, tiêu chí kiểm soát

Trong bối cảnh ATVSTP còn nhiều vấn đề, BĐ càng trăn trở về chất lượng vệ sinh của bữa ăn cho con em mình trong trường học. “Các thầy cô cũng như cấp dưỡng cũng chỉ làm theo nhiệm vụ và thực đơn để nấu. Nhiều khi thấy thực phẩm bằng cảm quan thì rất đẹp, rất tốt nhưng bên trong nhiễm khuẩn hay hóa chất thì thầy cô hay cấp dưỡng không thể kiểm soát được. Cái quan trọng cần xem xét là nguồn cung ứng, vì chỉ có những nhà cung cấp mới biết rõ chất lượng thực phẩm như thế nào”, BĐ Muoitieudauolive nhìn nhận.

Từ thực tế biện pháp được áp dụng ở nơi mình làm việc, BĐ Amaquyenh hiến kế: “Một cách phòng tránh ngộ độc rất đơn giản là cho nhân viên nhà bếp ăn những thực phẩm sẽ chế biến cho các em học sinh trước 5 giờ. Nếu nhân viên nhà bếp gặp vấn đề thì lập tức không cho các em học sinh ăn. Đây là cách mà công ty tôi nơi có 5.000 công nhân đang áp dụng”.

BĐ Duong Tuan Nghia đề xuất: “Cơ quan chuyên môn cần đưa ra phương thức, công cụ để đo lường, kiểm nghiệm thực phẩm chế biến cho học sinh. Liệu có nên nghĩ đến một dạng kit test cắm vào mẫu thức ăn để cho ra kết quả dương tính hay âm tính như chúng ta đang dùng kit để thử Covid-19 hiện nay?”.

“Nhiều trường đặt suất ăn kiểu công nghiệp, có những trường đặt đơn vị nấu ăn, rồi nhiều trường tự tổ chức nấu cơm cho học sinh bên trong trường. Nhiều nguồn như vậy thì việc kiểm soát chất lượng thực phẩm gặp nhiều thách thức. Kiểm tra, nhắc nhở là chưa đủ, chưa kể việc đi kiểm tra mà biết trước thì không hiệu quả. Cần ra quy định chi tiết, thậm chí luật hóa về lĩnh vực này như nguồn nguyên liệu, quy trình kiểm nghiệm đầu vào - đầu ra, hạ tầng bếp ăn, tay nghề người nấu… Có tiêu chí thì mới có cơ sở để quản lý, xử phạt”, BĐ Mucdong kiến nghị.

Nhà nước nên mở các chương trình dạy nấu ăn và cách bảo quản thức ăn như thế nào cho an toàn. Khi một công ty muốn đấu thầu cung cấp thức ăn cho trường học thì họ phải có chứng chỉ học nấu ăn tập thể thì mới được đấu thầu cung cấp thức ăn cho trường học.

Hong Nam Le

Đề nghị nên đặt số điện thoại của công an môi trường, công an kinh tế và cơ quan quản lý an toàn thực phẩm... ở mọi nơi để người dân kịp thời phản ánh, như vậy hành vi xấu sẽ giảm.

Luong Thanh

Nguồn gốc thực phẩm thì rõ rồi, còn giấy khám sức khỏe người chế biến, quy trình chế biến, lưu trữ thức ăn có thực hiện nghiêm túc không, hay chỉ đối phó khi có đoàn kiểm tra.

Nguyen Thuong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.