Giải pháp chống ngập của một thanh niên

02/05/2018 08:55 GMT+7

Trước thực trạng TP.HCM cứ mưa là ngập, Nguyễn Bảo Quân (27 tuổi), học viên Trường dạy nghề Á Đông (TP.HCM), đã nhiều năm ròng rã đi tìm giải pháp để giải quyết thực trạng này.

Tại cuộc thi “Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu” được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cuối tháng 4, Quân trăn trở: “Thành phố của chúng ta bê tông hóa đã vượt quá giới hạn, không còn chỗ cho nước thấm tiêu tự nhiên để giảm ngập sau mưa. Các cống thoát nước hiện quá tải nên cứ mưa là ngập”.
Quân lập luận hiện nay theo quan trắc của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì tốc độ lún thấp nhất của thành phố là 1 cm/năm và cao nhất là 40 cm/10 năm. Với tốc độ lún như vậy, cộng với tốc độ nước biển dâng mỗi năm trung bình từ 0,5 - 1 cm thì chỉ khoảng 40 năm nữa toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố sẽ bị tê liệt vì nằm dưới mực nước biển. Không những thế, nhiệt độ của thành phố sẽ ngày càng tăng do bức xạ nhiệt thoát ra từ các mảng bê tông và độ ẩm không khí ngày càng thấp do không bù được hơi nước thoát lên từ mặt đất.
Cũng theo Quân, tất cả các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng, đường sá đều không có quy chuẩn kỹ thuật thấm tiêu nước mưa, cho nên nếu áp dụng kỹ thuật thấm tiêu thông thường thì sẽ gây sụt lún, phá vỡ nền móng, kết cấu xây dựng của các công trình hiện hữu.
Vấn đề thi công thấm tiêu trong thành phố cũng cần phải được đặt ra tiêu chí nhanh, gọn, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế. Vị trí thi công cũng phải cân nhắc thật kỹ để đạt được hiệu suất thấm tiêu cao nhất, tiện lợi và thẩm mỹ. Đó chính là các bó vỉa hè trên tất cả các đường phố (là phần lài ra của vỉa hè với mặt đường). Vì hầu như tất cả các con đường của thành phố, hai bên đều có cống thoát nước, nước mưa ở mặt đường và lề đường trước khi chảy xuống cống đều tiếp xúc với bó vỉa hè và đây chính là nơi thấm tiêu hiệu quả nhất. Tương tự, các công trình nhà ở thì vị trí thấm tiêu hiệu quả nhất là các bậc tam cấp.

Từ những lập luận trên, Quân đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp bó vỉa hè thấm tiêu định hướng, kết cấu thấm tiêu định hướng để giảm ngập nước mưa và chống lún cho thành phố.
“Bó vỉa hè và kết cấu thấm tiêu này được cấu thành bởi các khối bê tông đúc sẵn, các khối này được xếp hoặc lắp ghép nối tiếp cạnh nhau có sử dụng vật liệu liên kết để tạo thành bó vỉa hè ở hai bên đường giao thông, hoặc tạo thành kết cấu thấm tiêu định hướng xung quanh nền móng nhà ở. Vì đây là kết cấu bê tông đúc sẵn đáp ứng được các điều kiện như dẫn nước thấm tiêu xuống dưới và về phía xa nền móng các công trình, bảo vệ được nền móng không bị sạt lở. Thi công nhanh, gọn, hiệu quả, ít cản trở sinh hoạt của thành phố”, Quân nhấn mạnh.
Quân cũng nghiên cứu cách thi công lắp đặt: “Phần bê tông thấm nước được lắp hướng lên trên và có ít nhất một phần lộ ra trên mặt đất để thấm tiêu nước, phần còn lại kết hợp với bề mặt định hướng không thấm nước để dẫn nước thấm tiêu xuống phía dưới và về phía xa nền móng các công trình. Có thể bố trí các ống dẫn dọc chiều dài khối bê tông để lấy nước mưa thấm bên trong khối sử dụng cho các việc khác”.
Nói về những hiệu quả của giải pháp này, Quân tự hào: “Thấm tiêu trên diện rộng giải quyết căn bản việc ngập sau mưa và bù lún, bảo vệ được toàn bộ nền móng các công trình, hạ tầng hiện hữu. Đây là giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm việc nước mưa không thấm qua được lớp bê tông và công trình xây dựng dày đặc. Đặc biệt, giảm lưu lượng cho các cống thoát nước vì phần lớn đã được thấm tiêu trên diện rộng”.
GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trưởng ban giám khảo, hoan nghênh ý tưởng của Quân. Tuy nhiên, ông Bá cũng thắc mắc về tỷ lệ thấm tiêu trong giải pháp của Quân. Về vấn đề này, Quân cho biết tỷ lệ thấm tiêu thấp nhất là 10% và cao nhất là 60% tùy thuộc kết cấu bê tông khi chúng ta đúc, bao gồm thép, xi măng, một số vật liệu và nước. Kết cấu vật liệu này sẽ có kích thước từ 5 - 25 mm, dựa vào đây sẽ có được chỉ số thấm tiêu và đã được đo đạc thử nghiệm.
Nhìn nhận chung về giải pháp của Quân, ông Nguyễn Văn Hậu (Hội đồng ban giám khảo) nhận xét: “Đề tài của bạn làm rất hay, giúp tìm ra được nguyên nhân của ngập nước là do tình trạng bê tông hóa và đã đưa ra được giải pháp. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc về tài chính, vì nếu làm thì phải làm hết toàn thành phố thì nguồn nước mưa mới thoát được. Chúng tôi nghĩ bạn cần gia công thêm vì đây là bài toán rất phức tạp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.