Miễn đăng kiểm lần đầu có giúp giảm ùn tắc ?
Hiện tại, quy định về đăng kiểm ô tô dưới 9 chỗ được áp dụng theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT. Theo đó, xe cơ giới chưa qua sử dụng phải được kiểm định với chu kỳ đầu là 30 tháng (tính từ năm sản xuất) đối với xe không kinh doanh vận tải và 24 tháng đối với xe có kinh doanh vận tải. Sau đó, chu kỳ đăng kiểm sẽ lần lượt là 18 tháng và 12 tháng. Thống kê thực tế là tỷ lệ kiểm định không đạt của phương tiện mới rất thấp (từ 0,17 đến 0,31%).
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) hiện nay còn có nguyên nhân do quy trình đăng kiểm bất hợp lý khiến số lượng phương tiện phải đi đăng kiểm tăng lên không cần thiết.
Đơn cử, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, ô tô 2 năm mới phải đăng kiểm, trong khi ở VN chu kỳ đăng kiểm là 1 năm hoặc 6 tháng tùy loại phương tiện. Bên cạnh đó, các phương tiện mới vừa mua về cũng phải đi đăng kiểm, trong khi xe mới đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng theo các quy trình nghiêm ngặt của các hãng sản xuất ô tô. Nếu điều chỉnh lại được các quy định bất hợp lý này thì sẽ giảm thiểu được số lượng lớn phương tiện chen nhau xếp hàng chờ đăng kiểm hằng ngày.
Từ nhiều ý kiến góp ý, Cục Đăng kiểm VN đã trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và đẩy nhanh hoàn thiện các quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới, hiện đang lấy ý kiến rộng rãi đến ngày 24.4. Theo đó, ô tô mới không quá 1 năm tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định có thể được miễn kiểm định. Điều này có nghĩa tính cả thời gian lưu kho, ô tô được miễn kiểm định tối đa 23 tháng 29 ngày kể từ khi xuất xưởng.
Các loại ô tô được miễn gồm: Xe sản xuất, lắp ráp mới đã được các cơ sở kiểm tra chất lượng xuất xưởng, cấp phiếu kiểm tra chất lượng theo quy định; xe nhập khẩu chưa qua sử dụng đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Công an khám xét Trung tâm Đăng kiểm 79-01S ở Nha Trang
Về phương án của Cục Đăng kiểm VN, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá: "Ô tô mới chưa sử dụng khi bán ra không cần thực hiện các quy trình đăng kiểm như: kiểm tra phanh, hệ thống lái, khí thải là phù hợp bởi khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã tiến hành quy trình thử nghiệm và kiểm tra các hạng mục trên, được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận xuất xưởng, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đủ điều kiện bán ra thị trường, tham gia giao thông. Việc bỏ qua các quy trình đăng kiểm lần đầu, kiểm tra các hạng mục trên là hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân để phục vụ những công việc khác. Đây chính là "ích nước, lợi nhà".
Dự kiến trong giai đoạn 1 (từ ngày 1.7), Cục Đăng kiểm sẽ áp dụng việc miễn kiểm định lần đầu cho ô tô mới, nhưng chủ xe vẫn phải mang xe tới TTĐK, không phải để khám xe mà chỉ nhận giấy kiểm định và tem miễn kiểm định lần đầu và nộp phí bảo trì đường bộ. Các TTĐK sẽ vẫn phải làm thủ tục lập hồ sơ phương tiện, nhập và ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm rồi mới cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Một số đại lý kinh doanh ô tô cho rằng: "Việc miễn giảm kiểm định xe lần đầu đối với xe mới chưa qua sử dụng là điều rất đáng hoan nghênh, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với tình trạng ùn ứ, quá tải như thời gian vừa qua tại các TTĐK, việc chỉ bỏ duy nhất khâu khám xe sẽ không giúp giảm ùn tắc đăng kiểm là bao. Cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn mới giải quyết được hoàn toàn việc đưa xe đến các TTĐK để giảm ùn tắc".
Giải bài toán thiếu hụt nhân sự
Theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến hết tháng 2.2023, cả nước có tổng số 2.014 đăng kiểm viên; trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Nhưng số đăng kiểm viên còn đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người.
Trong khi đó, để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, toàn hệ thống hiện đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên. Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm VN, để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ sẽ cần khoảng 240 - 250 đăng kiểm viên, trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao. Hiện nay đang thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên, tương đương khoảng 50% số người cần có.
Hiện nay Cục Đăng kiểm VN đang yêu cầu các đơn vị đăng kiểm lập và gửi báo cáo về tình trạng nhân lực kèm theo đề xuất, căn cứ vào điều kiện thực tế tại đơn vị để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đăng kiểm viên và các nhân viên nghiệp vụ trực thuộc đảm bảo yên tâm và sẵn sàng phục vụ tốt việc kiểm định xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN), cho rằng về mặt lý thuyết, giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự là bổ sung thêm người. Tuy nhiên, với ngành đăng kiểm hiện nay, cách làm này không dễ để thực hiện và có thực hiện cũng cần thời gian nhất định. Theo ông Phương, đặc thù của ngành đăng kiểm đòi hỏi công tác tuyển dụng, đào tạo và lựa chọn nhân sự cần nhiều thời gian và tiêu chuẩn riêng.
Thông thường, sau khi tuyển dụng, những người thi đạt sẽ phải trải qua một khóa đào tạo, thực hành trong khoảng thời gian 1 năm. Sau khi trải qua thời gian đào tạo, nhân sự còn tiếp tục trải qua một cuộc thi tuyển nữa để cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc thường, còn để đạt đăng kiểm viên bậc cao, sẽ mất thêm thời gian 3 năm kế tiếp kể từ khi trở thành đăng kiểm viên bậc thường. Các đăng kiểm viên này phải được tập huấn, đào tạo, trải qua kỳ thi và phải thông qua tất cả hạng mục đánh giá để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc cao, chỉ cần một hạng mục không đạt sẽ bị trượt.
Riêng những người muốn trở thành đăng kiểm viên bậc cao phải làm công tác kiểm định xe liên tục trong 4 - 5 năm. Trong lĩnh vực đăng kiểm, kiểm định viên bậc cao là vô cùng quan trọng, bởi đây là lực lượng nòng cốt, đặc biệt với đăng kiểm xe cơ giới. Bởi để làm việc tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên phải có từ 5 - 10 năm làm việc mới đủ kinh nghiệm, các loại chứng chỉ để tự tin hoạt động độc lập.
Ông Phương cho biết sắp tới có 1 đợt đăng kiểm viên thực tập, đợt này đã thực tập đủ 12 tháng, Cục sẽ đánh giá, nếu ai đạt yêu cầu thì sẽ cấp chứng chỉ. Tiếp đó, đến đầu tháng 4.2023, sẽ lại có thêm đợt bổ sung nhân sự khác. Ngoài 2 đợt bổ sung này, ngành đăng kiểm đang lên kế hoạch đào tạo tiếp cũng như chuẩn hóa lại quy trình đào tạo, chuẩn hóa giảng viên… để đảm bảo có nguồn cung cấp nhân sự đều và ổn định trong thời gian tới.
Bình luận (0)