Giải pháp để đạt tỷ lệ thu hồi trên 60%

18/05/2022 06:36 GMT+7

Nghị quyết số 96 của Quốc hội đề ra mục tiêu thu hồi trên 60% số tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Vậy, cần giải pháp căn cơ nào để đạt được?

Ghi nhận kết quả thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế năm sau cao hơn năm trước (6 tháng đầu năm 2022 tăng trên 7.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021) nhưng để đạt được mục tiêu thu hồi trên 60% số tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cho rằng thực tế rất khó khăn và chưa đạt được như mong muốn.

Từ án tuyên đến thi hành: Một trời một vực

Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa cho biết tiền, tài sản phải thu hồi theo án tuyên là rất lớn, nhưng tài sản để xử lý thi hành án (THA) không nhiều so với nghĩa vụ phải THA; một số tài sản bản án tuyên kê biên nhưng cơ quan THADS chưa thể xử lý để thu hồi do có nhiều vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ như vụ Hứa Thị Phấn (giai đoạn 1) liên quan đến việc xử lý tài sản kê biên là dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn 1) liên quan đến việc xử lý tài sản Khu phức hợp thương mại và dịch vụ Sân vận động Chi Lăng...

Cục THADS TP.HCM phối hợp cùng các sở, ban ngành tổ chức THADS đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế

CẨM TÚ

Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục THADS TP.HCM, tài sản để xử lý THA chủ yếu do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp bảo đảm, ngăn chặn ở giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, các tài sản nêu trên được các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên theo hiện trạng trên giấy tờ, không ghi nhận hiện trạng thực tế tại thời điểm kê biên. Do đó, trước khi xử lý tài sản, cơ quan THA phải phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh lại tài sản tại thời điểm xử lý (hiện trạng thực tế tài sản, diện tích, các thông tin về tính pháp lý, quy hoạch... của tài sản). Từ đó phát sinh nhiều vấn đề, như có tranh chấp, tài sản thực tế không đúng kê biên, làm kéo dài thời gian THA.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục THADS TP.HCM nêu, quá trình tổ chức THA, cơ quan THA luôn mong muốn bán tài sản được cao để thu hồi tiền cho nhà nước. Vì vậy, có những tài sản phải kéo dài việc THA để xin ý kiến.

Theo vị này, các tài sản có giá trị rất lớn trong vụ Hứa Thị Phấn (đất Q.2, Q.7, Nhà Bè), hay đất Q.8 (TP.HCM) trong vụ Dương Thanh Cường chưa xử lý do đang chờ ý kiến từ Tổng cục THADS. Bởi khi phạm tội, các bị cáo gom thu mua đất ruộng, đất nông nghiệp liền kề để dự kiến thực hiện dự án theo quy hoạch. Bản án tuyên phát mãi các giấy chứng nhận.

Về nguyên tắc, bản án giao tài sản nào thì cơ quan THA sẽ bán tài sản đó, nhưng nếu bán riêng lẻ từng tài sản sẽ rất thấp, và có lô giá thấp, lô giá cao, không đồng đều; thứ hai, nếu chọn phương án bán đấu giá nguyên khu vực, bán tổng thể theo dự án thì giá trị lô đất sẽ cao hơn nhưng đồng thời cũng vô tình hạn chế khách hàng, dễ phát sinh khiếu nại.

Tăng cường truy tìm tài sản tham nhũng ở nước ngoài

Đưa ra giải pháp cụ thể để thu hồi triệt để tiền, tài sản tham nhũng, kinh tế, một lãnh đạo Cục THADS TP.HCM cho rằng quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các bị can, bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế, không bắt buộc áp dụng. Đồng thời, bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ kê biên, phong tỏa phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, nhưng khi khởi tố bị can chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra, do đó, cơ quan tố tụng có thể chưa áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa dẫn đến đương sự có thể tẩu tán tài sản trước khi bị phát hiện.

“Kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về tố tụng về việc cơ quan tiến hành tố tụng tích cực xác minh, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài khoản có liên quan người phạm tội; truy tìm và tương trợ tư pháp về hình sự đối với người phạm tội tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Đồng thời cũng cần có cơ chế, thủ tục riêng, rút gọn đối với việc thi hành các khoản thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là việc thi hành các biện pháp tư pháp liên quan đến tiền, tài sản”, vị này nhấn mạnh.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa, thời gian qua, các bộ, ngành của VN đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện thể chế và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp liên quan, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Điển hình, thời gian vừa qua Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp cùng Viện KSND tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan Singapore thu hồi được gần 3 triệu USD của Phan Sào Nam trong tài khoản ngân hàng tại Singapore. Đây là lần đầu tiên, cơ quan THADS phối hợp và thu hồi số tiền phạm tội từ nước ngoài chuyển về.

Giám sát thẩm định giá, đấu giá tài sản

Về vấn đề sai phạm, “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau trong đấu giá tài sản THA, phần nào làm giảm giá trị thu hồi tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, phía Cục THADS TP.HCM cho biết rất chú tâm đến dư luận về thẩm định giá, đấu giá, đang có kế hoạch chủ động phối hợp cùng Viện KSND TP.HCM giám sát và chấn chỉnh sai phạm.

Cũng tại cuộc họp sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm 2022 (do Tổng cục THADS tổ chức), ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, nói qua kiểm tra thực tiễn cho thấy có các trường hợp như dư luận đã nêu. Đặc biệt, nổi lên trường hợp giữa những người tham gia đấu giá có mối quan hệ: từ hộ khẩu tách ra, hoặc mối quan hệ nhân thân. Khi kiểm tra, quản lý dòng tiền, phát hiện: một là từ 1 tài khoản chuyển vào các tài khoản tham gia đấu giá; hai là, từ 1 tài khoản tham gia đấu giá chuyển đi các tài khoản khác để tham gia đấu giá; ba là, tiền trúng đấu giá chuyển về cơ quan THA không phải từ cơ quan đấu giá. Đây là những vấn đề Cục THADS đang yêu cầu chỉ đạo làm rõ và mong Tổng cục THADS có chỉ đạo thêm.

Ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức được công tác thẩm định giá, đấu giá từ tài sản công, đất đai rất “nóng”, ảnh hưởng rất lớn công tác THA. Vì vậy, Cục THADS sẽ làm việc với các đơn vị đấu giá, yêu cầu chấp hành viên có định hướng, nhận thức và tuân thủ quy định pháp luật để việc thẩm định giá, đấu giá đi vào bài bản, nền nếp, tránh tiêu cực”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.