CÓ NĂM CHỈ TUYỂN ĐƯỢC 8 SINH VIÊN
Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM ra mắt tháng 11.2021 với mục tiêu đến năm 2030 có quy mô đào tạo hơn 10.000 sinh viên (SV). Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023 trường chỉ tuyển được 66 SV. Năm học 2023 - 2024 số lượng khả quan hơn khi trường tuyển được khoảng 230 SV cho 8 ngành: công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, thiết kế đồ họa, quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý thể dục thể thao. Như vậy, quy mô hiện tại của trường chỉ hơn 200 SV.
Các trường có quy mô tuyển sinh thấp thường ở địa phương hoặc mới thành lập
ẢNH: WEBSITE CÁC TRƯỜNG
Trong khi đó, trụ sở chính của trường ở khu đô thị Cát Lái được đầu tư xây dựng diện tích hơn 80.000 m2. Cơ sở 2 ở gần đó cũng có diện tích 7.400 m2, chưa kể 2 cơ sở ở Q.6 và Q.3. Theo quy định thì tỷ lệ SV/giảng viên (GV) các khối ngành đào tạo tại trường là 20 - 25 SV/GV, nhưng hiện tại tỷ lệ này tại trường là dưới 10 SV/GV do người học ít quá.
Trường ĐH Lương Thế Vinh có năm chỉ tuyển được 8 SV (2019) và 83 SV (2020) trong khi chỉ tiêu hàng ngàn. Trường ĐH Công nghệ miền Đông hiện nay quy mô 754 SV chính quy. Năm 2023, trong tổng số 18 ngành học thì ngành quản lý công nghiệp chỉ có 1 SV. Các ngành quan hệ công chúng, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên môi trường, kỹ thuật xây dựng mấy năm qua không tuyển được SV nào.
Một số trường ĐH khác cũng có quy mô đào tạo rất thấp như Trường ĐH Hoa Lư 896 SV, Trường ĐH Phạm Văn Đồng 907, Trường ĐH Phú Xuân 971 SV, Trường Quảng Bình 1.009…, có nghĩa trung bình mỗi năm chỉ tuyển hơn 200 SV.
Phân hiệu một số trường ĐH cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị mỗi năm tuyển được 50 - 70 SV. Quy mô đào tạo ĐH chính quy 5 ngành tại phân hiệu hiện nay là 228 SV.
Phân hiệu của Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi) tại Huế năm học 2022 - 2023 có quy mô 340 SV, có ngành không có SV nào như kinh doanh quốc tế. Còn trụ sở chính quy mô cũng chỉ khoảng hơn 1.200 SV, trong đó ngành kiểm toán chỉ 9 SV. Phân hiệu của ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum hiện có quy mô 672 SV.
KHÓ CẠNH TRANH VỚI CÁC TRƯỜNG Ở ĐÔ THỊ SẦM UẤT
Tiến sĩ Phạm Thế Kiên, Giám đốc phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, cho biết: "Các ngành đào tạo kỹ thuật của phân hiệu đang phải cạnh tranh với các cơ sở giáo dục ĐH ở các thành phố lớn, có hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và có nhiều doanh nghiệp lớn hỗ trợ về điều kiện thực hành, thực tập, cơ hội việc làm khi ra trường tốt, nên phân hiệu gặp khó khăn trong việc thu hút thí sinh và giữ chân các ứng viên tiềm năng. Chưa kể người học có xu hướng giảm lựa chọn các ngành kỹ thuật so với các ngành kinh tế, luật, du lịch".
Tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, cũng chia sẻ: "Ở Kon Tum, đa số là người dân tộc thiểu số, học THPT xong ở nhà kết hôn hoặc đi làm công nhân, đi học nghề, chỉ 1/3 vào ĐH. Những em quyết định học ĐH thì có tâm lý muốn đến học tại các đô thị lớn, sầm uất vì môi trường hấp dẫn, cơ hội việc làm tốt hơn".
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường ĐH địa phương tại khu vực Nam Trung bộ cho rằng trường ĐH đóng trên địa bàn tỉnh bao giờ cũng tuyển sinh khó khăn hơn các trường ĐH ở thành phố lớn.
"Thứ nhất, em nào có điều kiện thì lại có tâm lý muốn hướng đến môi trường năng động, hấp dẫn. Thứ hai, em nào nhà khó khăn thì lại đi học nghề. Trường ĐH tuyển không được thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn là không có nguồn thu, kinh phí dành cho việc đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên giảm đi khiến môi trường giảng dạy thiếu hấp dẫn lại càng khó tuyển sinh", vị hiệu trưởng nhận định.
Đối với Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM, theo một chuyên gia tuyển sinh tại TP.HCM, lý do tuyển sinh khó khăn là do mới thành lập, học phí cao hơn so với không ít trường lâu năm khác, trụ sở lại ở xa trung tâm.
TÌM HƯỚNG THU HÚT TUYỂN SINH
Để khắc phục khó khăn trong tuyển sinh, tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết trong 3 năm gần đây, phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum đã chủ động tổ chức các ngày hội mở, đón học sinh các trường THPT tới tham quan cơ sở vật chất, môi trường học tập... Nhờ vậy, từ 153 SV nhập học năm 2021, đến năm 2022 trường tăng được thành 224 SV và năm 2023 là 270 SV.
"Phân hiệu cũng phối hợp ĐH Đà Nẵng mở chương trình 2+2 các ngành ngôn ngữ Anh, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Nghĩa là SV có 2 năm học ở phân hiệu, 2 năm học tại các trường thành viên ở TP.Đà Nẵng. Phân hiệu cũng dự kiến mở ngành giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu người học và việc làm tại địa phương, và ngành thương mại điện tử", tiến sĩ Hùng thông tin.
Đối với Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, tiến sĩ Kiên cho biết theo chủ trương của tỉnh Quảng Trị, ĐH Huế và Quyết định 1737 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị của Chính phủ, Đề án thành lập trường ĐH thành viên của ĐH Huế trên cơ sở sáp nhập phân hiệu và Trường CĐ Sư phạm đang được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Song song với việc xây dựng, hoàn thiện đề án, phân hiệu cũng tiếp tục nghiên cứu, đa dạng các hình thức quảng bá, tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ thực hành, thực tập và tăng cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu hợp tác với các trường đại học ở Úc, Canada… để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có thể vừa đi học vừa đi làm thay cho xuất khẩu lao động", tiến sĩ Kiên cho hay.
Sáp nhập hoặc giải thể
Một cán bộ Vụ ĐH Bộ GD-ĐT chia sẻ: Các trường có quy mô tuyển sinh thấp chỉ vài chục đến vài trăm SV/năm thường vì một số nguyên nhân như do đóng tại các địa phương nên môi trường học tập, việc làm, sinh sống không hấp dẫn như các thành phố lớn. Bên cạnh đó là đầu tư cơ sở vật chất, GV, ngành nghề đào tạo còn hạn chế. Chất lượng đào tạo vì thế mà thấp, chưa tạo được uy tín và thương hiệu. Nếu các trường không có giải pháp và không thay đổi thì nhà nước sẽ có giải pháp quy hoạch lại, theo như dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay trên toàn quốc có tổng số 244 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có 36 trường ĐH địa phương. Số phân hiệu của các trường ĐH hiện là 30.
Theo Bộ GD-ĐT, đa số các trường ĐH trực thuộc các địa phương có quy mô nhỏ, chỉ đóng góp 6,3% tổng quy mô đào tạo trình độ ĐH; 3,5% thạc sĩ và 1% tiến sĩ của toàn hệ thống. Chỉ 3 trường ĐH có quy mô lớn hơn 10.000 SV, trong khi tới 8 trường có quy mô thấp hơn 2.000 SV.
Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, thì đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH và 50 phân hiệu. Trong đó, có khoảng 30 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng và 18 - 20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia. Đồng thời có khoảng 100 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.
Về định hướng sắp xếp, phát triển các trường ĐH công lập tới năm 2030, những trường không đạt chuẩn sẽ được củng cố, sắp xếp theo các phương án tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 - 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục ĐH có uy tín hoặc đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Bình luận (0)