Giải pháp nào để cứu 2 đội bóng TP.HCM không rớt hạng?

10/08/2022 13:57 GMT+7

Sau 11 vòng đấu, 2 đại diện của bóng đá TP.HCM là CLB TP.HCM và Sài Gòn FC đang xếp ở 2 vị trí nơi đáy bảng V-League 2022, với lần lượt 9 và 7 điểm, và không loại trừ khả năng một trong 2 đội sẽ xuống hạng mùa này.

Vì đâu nên nỗi

TP.HCM từ lâu được xem là một địa phương mạnh về bóng đá nhờ bề dày truyền thống và tình yêu của người dân Sài Gòn luôn dành cho các đội bóng thành phố một vị trí với tình yêu mãnh liệt trong tim. Có thời gian số đội bóng của TP.HCM thi đấu ở 3 cấp (V-League, hạng nhất, hạng nhì) lên tới 7 đội khiến cho nhiều địa phương phải mơ ước, tị nạnh. Sự lớn mạnh của các đội phong trào khi có những giải đấu được tổ chức bài bản, đầy thu hút và niềm đam mê bóng đá của người dân TP.HCM cũng không hề giảm sút thể hiện qua tổng lượng khán giả đến sân xem 2 đội bóng chơi ở V-League bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với khán giả đến sân của SLNA, hay ở Bình Dương.

Thế nên dù trải qua nhiều thăng trầm, sức sống của bóng đá thành phố vẫn phần nào đó được duy trì nhờ quyết tâm của những người làm bóng đá. Thậm chí cách đây vài năm, CLB TP.HCM còn giành á quân và Sài Gòn FC về thứ 3 chung cuộc của V-League chứng tỏ bề dày truyền thống, nguồn lực tài chính và tình yêu bóng đá của TP.HCM chính là những lợi thế mà không phải bất cứ ở đâu cũng có. Cho dù cũng từng có ý kiến đặt ra từ khi Cảng Sài Gòn vô địch quốc gia 2002 đến nay đúng 20 năm, bóng đá TP.HCM vẫn chưa thể leo lên ngôi vô địch, nhưng khán giả cũng hết sức cảm thông và chỉ hy vọng rằng giữ chân được trong tốp đầu là tốt rồi rồi từ từ đợi thời cơ chín muồi hướng đến ngôi vô địch

CLB TP.HCM (phải) đang có nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng

Minh Thắng

Thế mà giờ đây bóng đá TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ sẽ mất 1 đội và đội còn lại cũng đang đánh mất luôn vị thế của mình. Để xảy ra cớ sự này rõ ràng có nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết chính là sự thiếu quan tâm sâu sát của ngành TDTT cũng như Liên đoàn bóng đá TP.HCM với 2 đội bóng thành phố. Thể hiện ở chỗ các đơn vị có trách nhiệm này chưa bám sát quá trình tổ chức, tập luyện, thi đấu của 2 đội, chưa có sự động viên kịp thời và đúng lúc, đôi khi vẫn còn loay hoay trong việc định hướng làm sao cho 2 đội đi theo một con đường thống nhất thể hiện đúng bản sắc của bóng đá Sài Gòn. Trong công văn 3288/BC-SVHTT ngày 3-8-2022 do ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM ký gởi đến Văn phòng Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM, lãnh đạo ngành cũng chỉ đưa ra thực trạng chung chung và chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp hay tư vấn nào cho lãnh đạo thành phố để cứu hai đội bóng thành phố vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Lê Huỳnh Đức và Phùng Thanh Phương

VPF

Gỡ từng bước bằng cách nào?

Hiện tại CLB TP.HCM đã thay HLV Trần Minh Chiến và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng sẽ kiêm nhiệm HLV trong thời gian tìm HLV mới phù hợp. Ngược lại, Sài Gòn FC vẫn giữ HLV Phùng Thanh Phương và bổ sung Lê Huỳnh Đức vào vị trí Giám đốc kỹ thuật. Qua trận Sài Gòn FC thua HAGL 0-1 ngày 5-8 cho thấy ông Lê Huỳnh Đức mới là người có tiếng nói quan trọng nhất về chuyên môn ở đội bóng này. Quyết định và cách vận hành này của Sài Gòn FC không phù hợp với xu hướng phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp thế giới: Giám đốc kỹ thuật không nên trực tiếp chỉ đạo chiến thuật mà chỉ nên giữ vai trò cố vấn vì đã có HLV mới là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về thành tích của đội bóng. Lẽ ra Sài Gòn FC nên thuyết phục Huỳnh Đức nhận chiếc ghế HLV thay vì thỏa thuận chỉ làm Giám đốc kỹ thuật.

Hữu Thắng từ Chủ tịch làm HLV trưởng còn Trần Minh Chiến (phải) chuyển lên làm giám đốc kỹ thuật

Khả Hòa

Đó chỉ là một vài điều chỉnh ở phần ngọn và cũng chưa cho thấy đó là dấu hiệu của sự khởi sắc. Cái chính là cái gốc của vấn đề là cách làm bóng đá hiện nay của 2 đội vẫn thiếu nhất quán, chuyên môn yếu và nền tảng không vững vàng. Rõ nhất là tuyển ngoại binh kém, còn nội binh thì trồi sụt thất thường, lấy người từ nhiều CLB khác về nhưng tính chiến đấu cho màu cờ sắc áo của bóng đá Sài Gòn không cao. Lại thiếu những người giỏi đứng phía sau để tư vấn, định hướng nên nhiều lúc cách “cầm cương” của mấy ông chủ là làm việc tùy hứng, duy ý chí và có lúc đi chệch đường. Điều đó dẫn tới tình trạng đội bóng càng ngày đá càng tệ nhưng chẳng thấy một giải pháp nào căn cơ đưa ra mà chỉ toàn loay hoay mang tính đối phó.

Sự thất vọng của cầu thủ Sài Gòn FC khi để thua HAGL

Minh Thắng

Đó là chưa nói đến bóng đá trẻ của 2 CLB gần như khoán hết cho Sở VH-TT mà chưa hề có một tuyến trẻ nào ra hồn. Khi thi đấu giải thì khoác lên mình chiếc áo của CLB để đối phó với VFF chứ không chính thức được nuôi dưỡng. Từ đó khiến người hâm mộ không hề thấy một nhân tố trẻ nào của bóng đá TP.HCM bật lên thời gian qua.

Việc Thành ủy TP.HCM vào cuộc gặp mặt 2 đội bóng thành phố cho thấy sự quan tâm và phải tìm được giải pháp “cứu” bóng đá thành phố. Vì rằng hai CLB TP.HCM và Sài Gòn FC là hình ảnh của bóng đá thành phố chứ không chỉ của riêng doanh nghiệp hay cá nhân nào đó. Bóng đá TP.HCM cần phải vực dậy, cần có kế hoạch phát triển dài hạn để không làm buồn lòng người hâm mộ thành phố mang tên Bác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.