Giải quyết căn cơ thiếu hụt xăng dầu, cán bộ nghỉ việc

16/11/2022 04:24 GMT+7

Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; tập trung giải quyết căn cơ các điểm nghẽn trong đầu tư công, việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, cán bộ nghỉ việc, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…

Chiều 15.11, Quốc hội (QH) họp phiên bế mạc kỳ họp 4 QH khóa XV sau hơn 20 ngày làm việc.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp, QH đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp bế mạc kỳ họp 4 Quốc hội XV

GIA HÂN

Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, QH đánh giá cao kết quả đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp (DN) yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… “QH nhấn mạnh yêu cầu chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH cho cả giai đoạn 2021 - 2025”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Về công tác lập pháp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay QH đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật, 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết đều đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao. Riêng với dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), QH đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này như dự kiến để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.

Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH cho cả giai đoạn 2021- 2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về hoạt động giám sát, tại kỳ họp, QH đã giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Báo cáo giám sát đã nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của đoàn giám sát.

Theo Chủ tịch QH, QH đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của đoàn giám sát. “Đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện nghị quyết về giám sát”, Chủ tịch QH nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, QH đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4 QH khóa XV với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54 trình QH xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, QH quyết định áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng. Đồng thời, QH đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân VN.

Yêu cầu bộ trưởng thực hiện quyết liệt cam kết

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động. QH đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XV, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết.

Theo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp được QH thông qua tại phiên bế mạc, về lĩnh vực nội vụ, QH yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Đồng thời, trong năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. QH cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14 ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…

Với lĩnh vực xây dựng, QH yêu cầu sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch thành phố, quy hoạch chung đô thị của 5 thành phố trực thuộc T.Ư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn. QH cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhà ở; đặc biệt, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng các dự án luật Nhà ở (sửa đổi) và luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023). Cùng đó, sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030...

Còn với lĩnh vực thanh tra, QH yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Đồng thời, QH cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; CSDLQG về kiểm soát tài sản, thu nhập. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Đối với lĩnh vực thông tin - truyền thông, QH yêu cầu đến năm 2025, hoàn thành 100% các CSDLQG cần ưu tiên triển khai để phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN.

Cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin. Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, DN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin cá nhân…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.