Sáng 12.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 24, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Khẩn trương thực hiện hoàn thuế
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, khẩn trương giải quyết dứt điểm đối với 6 vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, trong đó có vụ việc đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của Công ty An Phát (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội). "Vụ việc cần được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo, hướng dẫn Cục thuế Hà Nội khẩn trương thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định", ông Bình nói.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng phản ánh việc chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp (DN). Theo ông, không chỉ có vụ việc của Công ty An Phát mà còn rất nhiều DN khác, đặc biệt hiện việc tiếp cận tín dụng lại khó khăn. "Như Công ty An Phát bây giờ cơ quan công an đã có trả lời, xác minh rồi, đủ điều kiện rồi nhưng Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội cứ vòng vo, đẩy chỗ này, chỗ kia", ông Thanh nói.
Nhấn mạnh việc Quốc hội (QH) đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế VAT, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH phản ánh vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
Báo cáo giải trình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho hay công tác hoàn thuế VAT theo luật Thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì hồ sơ hoàn thuế được phân làm 2 trường hợp, gồm: hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Qua rà soát thông tin trong những năm gần đây, cơ quan thuế nhận thấy một số DN hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ, lâm sản có rủi ro cao. Do đó, cơ quan thuế phải thực hiện công tác kiểm tra và xác minh. "Có một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước để gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế", ông Hùng nói.
"DN không xin xỏ gì chỗ này cả"
Khi Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đặt câu hỏi "Hiện cả nước số tiền thuế VAT chưa hoàn là bao nhiêu?", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời sẽ có báo cáo giải trình sau… Không đồng tình, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói QH đã có nghị quyết và Chính phủ đã chỉ đạo và đây là trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính mà "giờ này còn nợ đọng bao nhiêu cũng không nói được".
"DN tiếp cận vốn rất khó khăn. Tiền hoàn thuế là tiền của người ta còn không hoàn, kéo dài mấy năm như thế, nếu vị trí mình làm DN mình có thể sống được không?", Chủ tịch QH nói và cho biết đây là vấn đề bức xúc, báo chí, cử tri nói nhiều, QH cũng đã có nghị quyết và đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải có giám sát, tổ chức điều trần. "Tháng 7, tháng 8 làm phiên điều trần về việc này và nên giải trình việc này, không thể để mãi thế này được", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
"Đây là nghĩa vụ của Nhà nước chứ DN không xin xỏ gì chỗ này cả, của người ta chứ không phải của mình. Quỹ để hoàn thuế VAT năm nào QH cũng đã bố trí trong dự toán ngân sách. Thủ tục nào không đúng thì hướng dẫn. Anh nào sai, anh nào vi phạm pháp luật thì đề nghị xử lý, cán bộ thuế sai cũng phải xử lý cán bộ thuế. Để trì trệ như thế này nói mãi, nói hoài. Tôi đề nghị đồng chí phó chủ tịch ký kết luận theo hướng phải làm ngay và phải có phiên giải trình vấn đề này sớm", Chủ tịch QH khẳng định.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết UBTVQH giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức giám sát hoặc phiên giải trình về hoàn thuế VAT. "Cố gắng làm được trong tháng 8 là tốt để có đề xuất sớm với QH", ông Phương nêu.
Thông qua việc sáp nhập 33 huyện, 1.327 xã tới năm 2025
Chiều 12.7, với đa số thành viên tán thành, UBTVQH đã đồng ý thông qua dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Dự thảo nghị quyết sau đó sẽ được hoàn thiện về một số vấn đề kỹ thuật, tiếp thu ý kiến của UBTVQH… sau đó trình Chủ tịch QH ký chứng thực ban hành.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu. Về kinh phí, báo cáo của Chính phủ cho biết với mức hỗ trợ 20 tỉ đồng/huyện và 0,5 tỉ đồng/xã thì ngân sách cần khoảng 1.323 tỉ đồng. Chính phủ đề xuất phương án ngân sách T.Ư hỗ trợ một lần cho các địa phương. Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo, cán bộ công chức và chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư do thực hiện sắp xếp; việc sắp xếp xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp…
Bình luận (0)