Ngày 2.8, Bộ GD-ĐT có Công văn số 3585/BGDĐT NGCBQLGD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW.
Tình trạng thừa thiếu giáo viên không đồng bộ trong bối cảnh tinh giản biên chế khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua (ảnh minh họa) |
đào ngọc thạch |
Theo đó, để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ GD-ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.
Đây là một giải pháp cấp bách của Bộ GD-ĐT nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay trên cả nước trước thềm năm học mới 2022-2023. Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhân tố chính là thầy cô vì vậy nguồn nhân lực cần được bổ sung kịp thời đầy đủ có chất lượng. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT năm học 2021-2022, cả nước còn thiếu trên 94.000 giáo viên các cấp, trong đó riêng bậc mầm non thiếu trên 48.700 giáo viên, tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên.
Việc triển khai tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngoài mục đích là bổ sung số giáo viên còn thiếu hiện nay cũng còn mở ra cơ hội giải quyết việc làm cho rất nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường lâu nay mong muốn được đứng trên bục giảng.
Qua đây, nhiều thầy cô đang công tác cũng băn khoăn Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào việc thừa cục bộ 10.178 thầy cô ở các cấp học, các trường, các địa phương một cách hợp tình hợp lý trước yêu cầu của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ trong số thầy cô thừa cục bộ này khi các trường không bố trí được công việc phù hợp với chuyên môn, năng lực, độ tuổi nếu có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi cần nên được giải quyết thỏa đáng.
Có nhiều giáo viên tuổi cao, sức khỏe đã giảm sút, rất khó khăn trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng không được giải quyết nghỉ hưu theo Nghị định 143/2020/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế do không đáp ứng điều kiện. Đó là có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Quy định như trên rất khó thực hiện, vì không thầy cô nào lại “phấn đấu” để không hoàn thành nhiệm vụ của thầy cô được phân công là giảng dạy (trừ trường hợp vi phạm luật). Rất mong Chính phủ cần điều chỉnh Nghị định 143/2020/NĐ-CP, tạo điều kiện cho thầy cô xin nghỉ hưu trước tuổi thuận lợi hơn, cũng là để sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, tạo sức hút học sinh vào ngành sư phạm là một trong những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bình luận (0)