Những khoảng trống
Họa sĩ Ngọc Linh đã đến rất sớm trong ngày khai mạc triển lãm Phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là học trò của tác giả mẫu quốc huy - họa sĩ Bùi Trang Chước. “Tôi và gia đình nhiều năm mang hồ sơ đi để chứng minh thầy Bùi Trang Chước là tác giả mẫu quốc huy này. Cho tới giờ thầy vẫn chưa được một giải thưởng nào của nhà nước cả”, ông Linh nói. Trong khi đó, họa sĩ Bùi Trang Chước không chỉ vẽ quốc huy, ông còn là người vẽ nhiều mẫu tiền và huân huy chương.
Họa sĩ Lê Thiết Cương lại đau đáu về giải thưởng văn học nghệ thuật cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người anh thân thiết của mình. Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp mới nhất do ông tổ chức minh họa. “Quá đáng tiếc, đến giờ này anh Thiệp cũng chưa được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”, ông Cương nói. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nêu một trường hợp khác: “Nhà văn Bảo Ninh cũng chưa được Giải thưởng Nhà nước”.
Trong khi đó, những lần tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Bảo Ninh “xuất ngoại” làm đại sứ văn học Việt Nam lại vô cùng nhiều. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, sau đó được dịch và xuất bản tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới. Mới nhất, năm 2018, nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) tại Hàn Quốc. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được mệnh danh là “vua truyện ngắn”, với các tác phẩm được dịch và phát hành tại Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Ý.
Hiện tại, đợt làm hồ sơ xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đang được triển khai. Dự kiến, kết quả sẽ có vào năm 2021.
Xứng đáng và đợi chờ
|
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, cho biết theo quan điểm cá nhân ông, các nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp đều xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. “Về văn tài thì ai cũng thấy anh Bảo Ninh là một tài năng. Thứ hai nữa là trong quá trình viết, anh ấy cũng từng đi qua năm tháng trận mạc, nhìn thấy cả sự vĩ đại cũng như đau thương của dân tộc ta. Anh ấy viết về cuộc chiến tranh từ góc nhìn nhân bản. Trong một bối cảnh như thế, những sáng tác của Bảo Ninh cũng thể hiện một cái nhìn nhân văn về đời sống. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể được giải thưởng. Anh Nguyễn Huy Thiệp cũng thế. Nói đến văn học thời kỳ đổi mới, không thể không nói đến anh Thiệp được”.
Ông Điệp cũng nhắc tới trường hợp chưa được giải thưởng là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Tôi nghĩ Nguyễn Nhật Ánh cũng là một hiện tượng. Một sự phủ sóng lớn, một khả năng bám rễ cả người lớn lẫn trẻ con ở mức độ như thế thì theo tôi cũng là một hiện tượng rất nổi bật. Tôi nghĩ làm sao lại hẹp hòi với tài năng như thế được”, ông nói.
PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng có cùng quan điểm về văn tài của nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Các nhà văn này hoàn toàn xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Về tổng thể, ông Điệp đánh giá: “Thực ra tài năng lớn nhất của nhà văn nằm trong lòng bạn đọc. Giải thưởng cao nhất nằm ở bạn đọc. Tôi nghĩ những nhà văn này đều có bạn đọc thừa nhận tài năng của họ, đó cũng đã là sự công nhận rồi. Nhưng nếu có Giải thưởng Nhà nước để chính thức hóa thì cũng là điều đáng mừng”.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết sẽ thúc đẩy việc lập hồ sơ để công nhận Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho họa sĩ Bùi Trang Chước. “Việc này cũng đã chậm trễ lâu nay, nên chúng tôi sẽ cố gắng”, ông Đoàn nói.
Trong khi đó, ông Thạch lại mong muốn có thành phần hội đồng xét duyệt hiểu về các câu chuyện nghệ thuật hơn. “Hội đồng chưa điều tiết việc đánh giá những giá trị đương đại. Với những người cũ như ông Nguyễn Tuân, Xuân Diệu đã định hình giá trị rồi thì dễ dàng. Nhưng nếu những tác giả gần đây thì phải dân nghiên cứu văn học mới hiểu rõ giá trị. Người ngoài ngành khó hiểu hết và cách đánh giá cũng có phần hạn chế”, ông Thạch phân tích.
Bình luận (0)