Những tài năng thiệt thòi

Hoàng Kim
Hoàng Kim
17/08/2020 06:27 GMT+7

Sân khấu TP.HCM hoạt động sôi nổi, phong phú hầu hết nhờ vào các đơn vị xã hội hóa. Những nghệ sĩ tài năng hầu như cũng tập trung ở các đơn vị này. Thế nhưng nhìn kỹ lại, nghệ sĩ xã hội hóa đang chịu những thiệt thòi và họ rất cần được hỗ trợ để sân khấu tiếp tục sáng đèn.

Từ những đơn vị lớn, có tên tuổi lâu năm như: Kịch 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM), IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Kịch Sài Gòn, Thế Giới Trẻ (của Công ty Sài Gòn Phẳng thuê mặt bằng Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Kịch Hồng Vân (Sân khấu Phú Nhuận và Sân khấu Chợ Lớn), cho tới những đơn vị trung bình như: Kịch Buffalo, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Minh Nhí, Sân khấu Quốc Thảo, Sân khấu Hoàng Yến, rồi đến các nhóm kịch nhỏ như: Đời, Son, X-Pro... đều có tâm huyết, yêu nghề, xây dựng tác phẩm tốt, được dư luận khen ngợi. Và họ đã cùng tạo nên món “đặc sản” kịch nói như nét văn hóa đặc sắc của TP.HCM.
Không có địa phương nào thiết lập được một không gian kịch rực rỡ như đất Sài Gòn. Kịch không chỉ diễn ra ở rạp, mà còn len lỏi vào các quán cà phê, tỏa ra một năng lượng đáng yêu. Dù sau này thị trường có khó khăn làm giảm lượng khán giả, nhưng sân khấu vẫn sáng đèn. Tuy nhiên, đằng sau ánh đèn sân khấu rực rỡ đó, mỗi đơn vị xã hội hóa đều phải tự bươn chải với thị trường khắc nghiệt. Bỏ tiền tỉ ra như vở Tiên Nga, hoặc ít hơn thì cả trăm triệu như các vở khác và ngồi bán từng vé, hồi hộp với những ngày mưa gió; không ít suất đã phải bù lỗ như ở Hoàng Thái Thanh hoặc 5B, vậy mà các đơn vị xã hội hóa vẫn cố gắng, không nỡ nhìn sàn diễn chết lịm. Hầu như không có sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước, trong khi đó họ còn phải đóng thuế trên từng tấm vé bán được. Ngược lại, những đơn vị công lập thì được giao rạp miễn phí, được cấp kinh phí hoạt động, song quanh năm chẳng diễn được bao nhiêu.
Đạo diễn Ái Như nói: “Thật ra mình đã bước ra hoạt động là chấp nhận bươn chải, chỉ có điều hơi tủi thân vì không có sự hỗ trợ. Ở đây không đòi hỏi là phải nuôi chúng tôi, nhưng cần hỗ trợ theo kiểu mua dàn một số suất rồi mời khán giả đến xem như công nhân, giáo viên, sinh viên, học sinh... Như vậy chúng tôi sống được mà nhà nước cũng có hiệu quả tuyên truyền, khán giả thì được đào tạo. Lợi cả ba bên”.
Trong khi đó, NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc đưa ra một phương án khác: “Nhà nước nên có chiến lược đầu tư mỗi năm cho một số vở diễn hay. Ví dụ vở loại A thì đầu tư 100% tiền dàn dựng, loại B thì đầu tư 70%, loại C thì 50%”. Như vậy không cần phải nuôi hẳn một đơn vị công lập tốn bạc tỉ mỗi năm, mà có thể lấy tiền đó đầu tư thẳng vào các vở đã sản xuất tại các đơn vị. Còn như muốn có vở mang tính tuyên truyền thì cứ cấp kinh phí cho đơn vị xã hội hóa làm. Kinh nghiệm rút ra từ vở Búp bê không biết khóc của Công ty Hero film và Ai ngoại phạm của Sân khấu Trịnh Kim Chi, hoặc Cánh đồng rực lửa của Sân khấu Quốc Thảo, khi các đơn vị xã hội hóa vào cuộc thì vở tuyên truyền lại mềm mại, dễ xem hơn.
Thiết nghĩ đó là những phương án hỗ trợ mà nhà nước có thể áp dụng với các đơn vị xã hội hóa, để động viên tinh thần, duy trì nét văn hóa đặc sắc của TP.HCM và cũng tạo hiệu quả tuyên truyền, đào tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.