'Giải tỏa nhà ở quận 1, không được đưa dân xuống tận huyện Bình Chánh'

26/11/2014 21:22 GMT+7

(TNO) Đó là lưu ý của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đối với Sở Xây dựng và các quận, huyện về chính sách tái định cư cho người dân trong thời gian tới.

Quỹ nhà, đất tái định cư ở TP.HCM sẽ do Sở Xây dựng quản lý - Ảnh: Đình Phú
Quỹ nhà, đất tái định cư ở TP.HCM sẽ do Sở Xây dựng quản lý - Ảnh: Đình Phú

“Không được mù mờ, giấu diếm nữa”

Tại cuộc họp của UBND thành phố vào chiều 26.11, liên quan đến việc di dời, giải tỏa, tái định cư trên địa bàn, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết kể từ khi triển khai dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ năm 1996 đến nay), thành phố đã đầu tư xây dựng hơn 35.000 căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư. Theo đó, đã bố trí sử dụng khoảng 26.000 căn hộ và nền đất, hiện còn khoảng 10.000 căn hộ và nền đất chưa bố trí.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố có khoảng 230 dự án công ích, trọng điểm sẽ triển khai với tổng nhu cầu tái định cư gần 18.000 căn hộ và nền đất.

Ông Tín nêu ra một bất cập, tồn tại trong việc bố trí nhà tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa trong thời gian qua: “Người ta nhà ở quận 1 nhưng lại bị đẩy xuống huyện Bình Chánh ở. Vợ làm một nơi, chồng làm một nơi. Con thì vẫn học ở quận 1. Chạy lui chạy tới rất khổ. Dù là ở tạm cư cũng không được”.

Ông Tín đưa ra quan điểm chung để xử lý nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân có nhà bị giải tỏa trong thời gian tới: “Giải tỏa nhà ở quận 1, không được đưa dân xuống tận huyện Bình Chánh. Nếu trong địa bàn quận không có quỹ nhà đất tái định cư thì bố trí ở các quận lân cận. Không nên đưa người dân đi quá xa nơi ở cũ vì nếu bị đưa đi xa, bà con khổ đủ đường”.

“Để làm được điều này, UBND thành phố giao Sở Xây dựng đứng ra quản lý, điều phối tất cả quỹ nhà, đất tái định cư của thành phố. Từ nay về sau không giao cho quận, huyện quản lý nữa, vì giao cho quận, huyện thì mỗi nơi làm một cách, không ai giống ai”, ông Tín chỉ đạo.

Trước đề xuất của Sở Xây dựng bán bớt một số quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn mà chưa bố trí hoặc chuyển sang nhà ở xã hội để thu hồi vốn để đầu tư tiếp những dự án mới, ông Tín khẳng định: “Hiện tại thì không được bán. Phải rà soát lại kỹ tình hình thực tế quỹ nhà, đất và nhu cầu tái định cư để lo cho người dân cái đã. Lúc nào dư thì mới tính đến chuyện bán. Tinh thần giải quyết là vậy”.

Ông Tín yêu cầu Sở Xây dựng, các quận, huyện phải công bố rõ từng địa chỉ nhà, đất tái định cư để cho người dân biết, lựa chọn “chứ không được mù mờ, giấu diếm nữa”.

Chính quyền không thay mặt tòa án để xử kiện

Chiều cùng ngày, UBND TP.HCM họp bàn với các sở ngành chức năng, 24 quận, huyện để thông qua dự thảo quy chế quản lý nhà chung cư trên toàn địa bàn thành phố.

Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, dự thảo sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh để ban hành thực hiện từ tháng 1.2015.

Một số nội dung quan trọng của quy chế phải theo nguyên tắc: áp dụng chung cho chung cư thương mại và chung cư tái định cư; cư dân và chủ đầu tư (nếu cũng có sử dụng mặt bằng chung cư) thì đều phải đóng phí quản lý như nhau; người đóng tiền sẽ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý; giữa các bên liên quan nếu không thực hiện đúng cam kết thì sẽ ra tòa án giải quyết “chứ chính quyền không thay mặt tòa án để xử khiếu nại, kiện tụng”…

“Mấy đồng chí nghiên cứu, làm sao đó thì làm nhưng quy định ban hành ra rồi thì phải thực hiện được. Phải lấy hết ý kiến tất cả các quận, huyện và các đơn vị liên quan. Đừng có để ban hành ra rồi mà mọi thứ lại rối thêm nữa”, ông Tín lưu ý với lãnh đạo Sở Xây dựng, là cơ quan soạn thảo quy chế.

Đình Phú

>> Làm không xong sẽ kỷ luật hết các ông
>> Malaysia bị chỉ trích 'đang giấu diếm thông tin về máy bay mất tích
>> Ẩn ý không giấu diếm
>> Tái định cư vào vùng... sỏi đá
>> Quỹ đất thừa nhưng vẫn nợ dân tái định cư
>> Nhếch nhác nhà tái định cư Pháp Vân - Tứ Hiệp
>> Đà Nẵng ra “tối hậu thư” về trả nợ đất tái định cư cho dân
>> Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2: Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật
>> Ì ạch tái định cư
>> TP.HCM: Đời sống người dân tái định cư vẫn gặp khó
>> Khát' đất tái định cư
>> Nhà 'nằm trên giấy' vì chưa xong khu tái định cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.