Chuyển nhầm tiền từ thiện rồi đòi Thủy Tiên trả lại, luật sư nói gì?

02/06/2021 07:01 GMT+7

Các luật sư đưa ra ý kiến liên quan đến việc Thủy Tiên bị một tài khoản nói chưa giải quyết vụ chuyển nhầm 30 triệu tiền từ thiện.

Những ngày qua, thông tin liên quan đến vụ tiền từ thiện giúp đỡ đồng bào miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên lại được dư luận quan tâm. Cụ thể, một tài khoản có tên T.H cho biết đã chuyển nhầm 30 triệu đồng thay vì 300.000 đồng vào tài khoản của nữ ca sĩ để ủng hộ từ thiện. Tuy nhiên, khi người này liên hệ với ê-kíp giọng ca Ngôi nhà hạnh phúc để xin nhận lại số tiền chuyển nhầm thì phía này giữ im lặng, chưa giải quyết.
Vụ việc tạo ra cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người lên tiếng trách móc ê-kíp Thủy Tiên không giải quyết nhanh chóng để ảnh hưởng đến tên tuổi nữ ca sĩ. Tuy nhiên, cũng có không ít cư dân mạng bênh vực, cho rằng lỗi không nằm ở phía cô, sự việc cần thời gian để xác minh và giải quyết.

Hành động xông pha đến miền Trung cứu trợ trong thời điểm mưa bão của nữ ca sĩ được mọi người ủng hộ

Ảnh: FBNV

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hoài Nghĩa (Hãng luật Châu Đại Dương thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Bộ luật dân sự thì giao dịch do nhầm lẫn có thể đề nghị hủy bỏ và yêu cầu bên kia khôi phục lại các quyền lợi của mình, tức là các bên hoàn trả nhau những gì đã nhận. Đồng thời, luật sư Nghĩa cho biết thêm nếu các bên không thỏa thuận được thì đưa sự việc ra tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Luật sư Nghĩa cho biết theo Điều 126 Bộ luật dân sự quy định: Giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn bất kể lỗi của bên nào gây ra. Nếu bên nào có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Theo đó khi có nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. 
Luật sư Hoài Nghĩa cho rằng nếu bên chuyển tiền chứng minh được đã chuyển tiền nhầm thông qua xác nhận giao dịch, sao kê chứng từ giao dịch từ ngân hàng, hoặc biên nhận, giấy tờ giao nhận tiền nếu giao tiền mặt, thì phía Thủy Tiên có quyền đề nghị bên nhận (người dân vùng lũ) trả tiền quyên góp lại để hoàn trả cho người nhầm. Song luật sư khẳng định: "Để thực hiện việc này thực tế rất khó". 

Theo luật sư Nghĩa, bên chuyển tiền phải chứng minh bằng ủy nhiệm chi xác nhận giao dịch, sao kê chứng từ giao dịch từ ngân hàng, hoặc biên nhận, giấy tờ giao nhận tiền nếu giao tiền mặt cho Thủy Tiên

Ảnh: FBNV

Trong khi đó luật sư Ngô Việt Bắc - Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng lấy từ Điều 126 Bộ luật dân sự để phân tích về trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên và tài khoản tên T.H. Theo luật sư Bắc, việc T.H chuyển tiền cho ca sĩ Thủy Tiên chính là một giao dịch dân sự, bản chất ở đây là giao dịch đơn phương tồn tại trên quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản, tức việc chuyển tiền của T.H là hành vi tự nguyện của người này. Không hề có bất kỳ sự thỏa thuận hay bàn bạc giữa T.H và ca sĩ Thủy Tiên. Tất cả đều xuất phát từ việc từ thiện và xuất phát từ trên tinh thần tự nguyện của mỗi cá nhân. Và điều này không vi phạm quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Theo khoản 2 Điều 3 và Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, cho nên được pháp luật bảo vệ trong giao dịch này.
Luật sư Ngô Việt Bắc cho rằng nếu ca sĩ Thủy Tiên đã trao tặng hết cho bà con vùng lũ thì chắc chắn số tiền T.H cho rằng mình chuyển nhầm (nếu có) đã được chuyển giao cho bà con vùng lũ (tức là bên thứ ba trong quan hệ này). Nếu T.H có đủ bằng chứng chứng minh rằng mình nhầm lẫn, người này có thể căn cứ điều khoản 126 Bộ luật dân sự để yêu cầu Thủy Tiên trả lại số tiền nhầm lẫn kia.

Giữa tranh cãi khán giả nuôi nghệ sĩ, Thủy Tiên bật khóc viết tâm thư

“Tuy nhiên ca sĩ Thủy Tiên lại là người không hề hưởng lợi trong giao dịch này, mà người hưởng lợi lại là những bà con vùng lũ, người mà ca sĩ Thủy Tiên trao tiền và trao quà. Một vấn đề lớn đặt ra ở đây là tiền thuộc loại tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, những người được Thủy Tiên trao tiền và trao quà là người được hưởng lợi về tài sản một cách ngay tình. Vì thế T.H muốn đòi lại tiền thì có thể căn cứ vào Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, tức có thể đến trực tiếp kiện bất kỳ người nào (cá nhân, hoặc tổ chức) mà ca sĩ Thủy Tiên trao tiền và trao quà trong đợt lũ vừa qua để kiện họ và đòi lại số tiền mà mình cho rằng chuyển nhầm cho ca sĩ Thủy Tiên. Vì họ chính là người chiếm hữu ngay tình và họ có số tiền hoặc quà đó thông qua hợp đồng không có đền bù (trong trường hợp này giữa ca sĩ Thủy Tiên và những người được trao quà trao tiền tồn tại một hợp đồng miệng với nhau, và đây là hợp đồng không có đền bù).

Ngoài giúp đỡ các nhu yếu phẩm cần thiết, Thủy Tiên còn tiến hành xây nhà chống lũ cho người dân miền Trung

Ảnh: TL/FBNV

“Nếu xảy ra chuyển nhầm, ca sĩ Thủy Tiên trở thành người không có quyền định đoạt tài sản do nhận nhầm, cho nên T.H muốn kiện thì đi kiện những người được trao tiền hoặc nhận quà. Tuy nhiên nếu theo hướng này thì e rằng bế tắc. Còn nếu bây giờ T.H kiện ca sĩ Thủy Tiên thì ngoài vấn đề phải chứng minh được rằng mình chuyển nhầm, người này còn phải yêu cầu tòa án triệu tập những người được lợi thông qua hợp đồng không có đền bù như đã nói ở trên, để họ hoàn trả cho ca sĩ Thủy Tiên, từ đó ca sĩ Thủy Tiên mới có số tiền này để trả lại cho T.H”, luật sư Bắc phân tích.
Bên cạnh đó, Luật sư Ngô Việt Bắc cũng phân tích thêm một khía cạnh khác của trường hợp này. “Nếu ai đó lợi dụng và nói rằng mình đã chuyển nhầm vào tài khoản của người đứng ra vận động hoạt động thiện nguyện, sau đó yêu cầu người này hoàn trả lại do nhầm lẫn và số người yêu cầu do nhầm lẫn quá nhiều, với số tiền lớn thì điều này sẽ dẫn đến chuyện gì? Việc này giống như đang bôi xấu hoặc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người đứng ra vận động theo một mục đích hay một dàn cảnh có sự chuẩn bị từ đầu. Nếu họ muốn kiện, muốn lấy lại tài sản do chuyển nhầm thì phải đi kiện những người được lợi về tài sản như đã nói trên. Tức là họ đi kiện trực tiếp những người mất nhà, mất cửa mất tài sản và thậm chí là trắng tay trong đợt lũ vừa qua do sự chuyển nhầm của chính họ”, ông nói.
Theo luật sư Bắc, giả thuyết là người đó chuyển nhầm, Thủy Tiên cũng đã giao hết cho những nơi bị lũ lụt. Bản thân Thủy Tiên không là người thụ hưởng, cũng không hề có lỗi trong chuyện này. Ca sĩ Thủy Tiên nếu trả lại trong trường hợp này thì đó là xuất phát từ tâm của cô ấy. Nếu bên bị nhầm chứng minh được sự nhầm lẫn là có thật, khách quan thì tiền chi trả là tiền túi của ca sĩ Thủy Tiên. Rõ ràng điều này cũng không công bằng cho chính nữ ca sĩ.

Phía Thủy Tiên nói gì?

Nhiều người thắc mắc con số xin hoàn trả khá nhỏ, so với số tiền gần 200 tỉ đồng mà Thủy Tiên đã quyên góp được, vì sao ê-kíp nữ ca sĩ không nhanh chóng chuyển lại để lùm xùm này kéo dài, gây ồn ào không đáng có?
Thanh Niên liên hệ với ê-kíp Thủy Tiên, phía này cho biết: "Từ đầu thật ra Thủy Tiên không theo sát vụ việc nên không biết, chỉ nghe trợ lý báo lại là có người muốn xin lại tiền đã chuyển khoản nhầm. Tuy nhiên ê-kíp đã dò đi dò lại không có số tài khoản như thế chuyển tiền vào nên không biết xử lý thế nào trước yêu cầu này. Lúc đó Thủy Tiên thực sự có rất nhiều việc, ngày nào cũng có người nhắn tin xin lại tiền, rất khó cho cô ấy. Kiểm tra thì không có số tài khoản như thế hết".
Phía này tiết lộ khi kêu gọi quyên góp, trong một ngày có thể có cả triệu giao dịch chuyển khoản, rất khó cho phía họ dò tìm từng trường hợp. Cuối cùng phía trợ lý vẫn không check ra được thông tin như khán giả này nói, đồng thời số tiền từ thiện cũng đã giải ngân xong. Một người trong ê-kíp từ thiện của nữ ca sĩ tiết lộ ở thời điểm đi cứu trợ, có rất nhiều người cố ý chuyển khoản, nói khó nghe để... đòi tiền lại, mình không xử lý là kiếm cớ đi... "bóc phốt".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.