Đạo diễn Phạm Hoàng Giang: Nghệ sĩ có chết đói cũng không kêu ca

23/06/2020 11:56 GMT+7

Người cầm trịch liveshow Đêm tình nhân cho biết anh vô cùng hạnh phúc khi các sân khấu ca nhạc đã bắt đầu sáng đèn trở lại sau mùa dịch. Anh cũng chia sẻ câu chuyện về những thiệt hại của ngành giải trí ít ai ngờ tới.

* Chào đạo diễn Phạm Hoàng Giang. Sau gần nửa năm các sân khấu ca nhạc phải “đóng băng” vì dịch Covid-19, nay được tái xuất làm việc, anh cảm thấy thế nào?
- Đạo diễn Phạm Hoàng Giang: Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được gặp lại khán giả và nhìn thấy ánh đèn sân khấu. Đây không phải là cảm xúc của riêng tôi mà là của tất cả anh chị em làm nghề, của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa thể đi vào nhịp điệu như cũ vì ngành giải trí còn phải phụ thuộc nhiều vào kinh tế. Theo tôi cảm nhận thì các hoạt động giải trí và các sự kiện có lẽ trong khoảng từ thời gian tháng 8, tháng 9 trở đi mới có thể dần dần nhiều hơn và khởi sắc. Nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn thì hoạt động giải trí sẽ vẫn có nhiều hạn chế. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn đang phải cố gắng duy trì cuộc sống qua ngày.

Vị đạo diễn cho biết ngành giải trí phải gánh chịu nhiều tổn thất không nhỏ suốt nhiều tháng “đóng băng” vì Covid-19

Ảnh: FBNV

* Anh có thể sẻ về những khó khăn, thiệt hại mà anh cùng các đồng nghiệp phải trải qua trong mùa dịch?
- Ngành giải trí phải gánh chịu nhiều tổn thất không nhỏ. Trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các show diễn đều bị hủy hoặc phải dời lại. Đặc biệt trong tháng 3, tháng 4 là những tháng trọng điểm có nhiều show lớn, chỉ tính sơ các chương trình tôi nhận làm thiệt hại đã dao động tầm 7-8 tỉ. Các công ty giải trí, tổ chức sự kiện hoàn toàn không có nguồn thu trong khi vẫn phải vận hành đều đặn chi phí duy trì ê-kíp, vận hành bộ máy công ty. Nó ảnh hưởng dây chuyền đến vô số người, không chỉ có nghệ sĩ mà còn có các anh chị em chuyên viên sự kiện, hậu đài, âm thanh, ánh sáng…
Tôi biết rất nhiều anh em đồng nghiệp trong thời gian dịch phải kiếm kế mưu sinh bằng công việc khác. Nhiều người phải đi phụ ở quán cà phê, người thì tự bày ra bán bánh mì, bánh bao. Có người thì quyết định nghỉ hẳn luôn để chuyển sang bán hàng online hoặc kinh doanh bất động sản.
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang: Nghệ sĩ có chết đói cũng không kêu ca

Đạo diễn Phạm Hoàng Giang cũng chính là chủ nhân của chuỗi liveshow âm nhạc Đêm tình nhân

Ảnh: BTC

* Đối với những nghệ sĩ có tên tuổi thì họ có phải chật vật như vậy?
- Nghệ sĩ trong thời gian vừa qua cũng không ít người điêu đứng, chỉ là họ không nói ra đó thôi. Không phải nghệ sĩ nào cũng có thu nhập ổn định, nhất là nghệ sĩ trẻ. Thật ra nhiều nghệ sĩ ngoài việc đi diễn, đi hát, họ còn phải có thêm một nghề tay trái nữa để đảm bảo nguồn thu nhập. Người thì mở nhà hàng, người thì kinh doanh mỹ phẩm, bán thêm thứ này thứ kia nhưng công chúng ít khi nào biết tới. Mùa dịch không có show bắt buộc họ phải phụ thuộc vào nguồn thu đó rất nhiều.
Đó là những sự khó khăn chung của nhiều đồng nghiệp của tôi, những người làm nghề như chúng tôi ít khi kêu ca vì toàn đi giúp và kêu gọi từ thiện cho người khác mà thôi, còn mình thì bằng mọi giá, có chết đói cũng không kêu.
* Vì sao anh lại quan niệm những người làm nghệ thuật “có chết đói cũng không kêu”?
- Đối với tôi, người nghệ sĩ luôn có một tâm hồn nhạy cảm và một chút gì đó gọi là sĩ diện. Người làm nghệ thuật có cá tính đặc biệt nên cơ bản là họ không thích kêu ca. Khi có biến cố xảy ra, hiếm khi nào nghệ sĩ phải lên mạng xã hội hay lên báo than thở, kêu gọi cứu lấy ngành. Tôi biết nhiều người đang rất khó khăn nhưng vẫn thích tự một mình xoay sở.
* Anh nghĩ sao về quan niệm của một số người cho rằng nghệ sĩ thì rất giàu có nên trong mùa dịch họ phải có trách nhiệm bỏ ra số tiền lớn để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo?
- Việc soi xét xem số tiền người nghệ sĩ đóng góp nhiều hay ít thực sự không nên. Nghệ sĩ họ cũng phải nuôi sống bản thân, số tiền họ kiếm ra có thể nhiều nhưng họ sử dụng những khoản đó để tái đầu tư làm sản phẩm phục vụ cho khán giả. Một lần mua bài hát, làm album, người ca sĩ phải bỏ ra số tiền rất lớn. Chưa kể, họ còn tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện khác chứ không phải chỉ riêng trong mùa dịch. Các nghệ sĩ thường phân bố phần quỹ đó ra đều các thời điểm, ở nhiều nơi để có thể san sẻ khó khăn với nhiều tầng lớp trong xã hội. Họ đã có một trái tim đẹp để làm thiện nguyện thì trách cứ hay phán xét họ là điều không nên.
* Trong mùa dịch, hình thức hòa nhạc online, livestream trở nên thịnh hành. Anh có nghĩ rằng trong thời gian tới nó có thể lấn át vị trí của những show diễn thực tế?
- Tôi không lo lắng về điều đó. Online hay livestream là phương pháp tạm thời để cho khán giả để nhớ âm nhạc, đỡ nhớ nghệ sĩ thôi. Cảm xúc khi được thưởng thức trực tiếp tại khán phòng, sân khấu có hiệu ứng mạnh mẽ hơn nhiều. Nó chạm đến trái tim của khán giả dễ dàng hơn, mạnh mẽ hơn. Những buổi trình diễn online khó lòng đáp ứng nhu cầu đó. Sau này chúng ta vẫn có thể tích hợp các công cụ online để tổ chức các buổi biểu diễn nhưng sân khấu sẽ vẫn làm tròn nhiệm vụ của nó.
Khán giả và nghệ sĩ cần sự kết nối trực tiếp với nhau. Giống như bản thân tôi và các anh em nghệ sĩ, khi được nghe, nhìn trực tiếp, được giao lưu với khán giả mới cảm thấy trọn vẹn niềm sung sướng.
* Thời gian qua có show diễn tâm huyết nào bị hủy hay hoãn lại khiến anh tiếc nuối?
- Tôi có hai dự án tâm huyết vì mùa dịch này mà không thể thực hiện. Một show lấy chủ đề tôn vinh người phụ nữ vào ngày 8.3 mang tên I’m in love. Ngoài ra còn có dự án Bằng kiều Acoustic, mang đến màu sắc âm nhạc khác lạ, tinh tế nhưng hiện vẫn đang phải chờ đợi xem có đủ điều kiện để thực hiện hay không.
* Sau dịch, ai cũng thắt lưng buộc bụng các khoản chi tiêu, các chương trình sắp tới anh nhận làm có bị cắt bớt kinh phí?
- Tất nhiên là có. Ai cũng khó khăn mà, các nhãn hàng, doanh nghiệp họ cũng phải rút bớt kinh phí để lo cho các khoản thiết yếu hơn. Dù nó sẽ giới hạn phạm vi sáng tạo của mình nhưng chúng ta vẫn phải chia sẻ. Trong những show diễn tới, tôi sẽ cố gắng thu vén để mọi thứ chỉnh chu nhất trong khả năng.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.