Dấu ấn thời trang của huyền thoại làng mốt Pierre Cardin

30/12/2020 16:59 GMT+7

Theo Reuters hôm 29.12, huyền thoại làng mốt Pierre Cardin vừa ra đi ở tuổi 98, khép lại cuộc đời miệt mài cống hiến cho nền thời trang thế giới . Sinh thời, ông được biết đến với phong cách tiên phong và những sáng tạo khác biệt.

Hôm 29.12, truyền thông Pháp cùng nhiều tổ chức nghệ thuật đồng loạt đưa tin và bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của huyền thoại làng mốt Pierre Cardin. Thông tin ông qua đời cũng khiến giới mộ điệu không khỏi bàng hoàng, tiếc thương. Gia đình của nhà sáng tạo tài hoa cũng xác nhận với AFP rằng ông đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Neuilly, phía tây Paris (Pháp). “Đó là một ngày vô cùng đau buồn đối với tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi. Pierre Cardin không còn nữa… Thế nhưng, tất cả chúng tôi đều tự hào về khát vọng bền bỉ của ông ấy và cả sự táo bạo mà ông ấy đã thể hiện suốt cuộc đời mình”, người thân của huyền thoại làng mốt bộc bạch.

Huyền thoại thời trang Pierre Cardin qua đời

Từ thợ may không tên tuổi đến tài năng trẻ xuất chúng của làng mốt

Pierre Cardin sinh năm 1922 tại một thị trấn gần Venice (Ý) trong gia đình thương gia rượu giàu có. Năm lên 2, ông cùng gia đình chuyển đến Pháp sống, mảnh đất phồn hoa, tươi đẹp này đã nuôi dưỡng tâm hồn, óc thẩm mỹ và niềm say mê của cậu bé gốc Ý với thời trang. 14 tuổi, ông bắt đầu học nghề thợ may rồi chuyển đến Paris năm lên 23 để học kiến trúc và làm việc với hãng thời trang Paquin, sau đó là Elsa Schiaparelli. Tại thủ đô hoa lệ của nước Pháp, Cardin gặp đạo diễn Jean Cocteau. Năm 1945, chàng trai trẻ có cơ hội thiết kế mặt nạ cùng trang phục cho tác phẩm kinh điển La Belle et La Bete (Người đẹp và quái vật) của nhà làm phim nói trên. Một năm sau đó, Pierre Cardin chuyển đến Christian Dior, tiếp tục miệt mài với công việc sáng tạo.

Pierre Cardin và những ý tưởng mới mẻ, đi trước thời đại của ông khiến làng thời trang điên đảo 

ẢNH: GETTY

Thời điểm 1949 - 1950, ông bắt đầu tách ra mở hãng thời trang riêng, thiết kế trang phục cho các sân khấu kịch. Dẫu không còn chung đường, mối quan hệ giữa Cardin với Dior vẫn rất tốt đẹp. Hãng thời trang danh tiếng không chỉ chúc phúc cho nhà thiết kế tài năng khi ông rời đi mà còn nhiệt tình gửi hoa hồng và khách hàng đến xưởng may của huyền thoại này.
Năm 1953, Pierre Cardin trình làng bộ sưu tập nữ đầu tiên trong sự nghiệp rồi nhanh chóng khai trương cửa hàng thời trang nữ đầu tiên - Eve. Những chiếc “bubble dress” mới lạ của nhà mốt trẻ tài năng nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của công chúng yêu thời trang khắp thế giới. Chẳng bao lâu sau, loạt thiết kế của Cardin đã được những tên tuổi tầm cỡ, quyền lực như: Eva Peron, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot, Jeanne Moreau, Mia Farrow, Jacqueline Kennedy… khoác lên người
Năm 1957, ông mở một cửa hàng khác tại Paris nhưng lần này là dành cho nam. Cửa hàng có tên là Adam với hàng loạt những cà vạt và áo sơ mi sặc sỡ. Ông sau đó đã tạo ra bộ comple không cổ cực nổi tiếng cho nhóm nhạc huyền thoại The Beatles và thiết kế trang phục cho nhiều khách hàng đẳng cấp khác như: Gregory Peck, Rex Harrison, Mick Jagger…

The Beatles trong thiết kế nổi tiếng của Cardin

ẢNH: GETTY

Chỉ ít năm dấn thân vào thế giới thời trang Paris, Pierre Cardin từ một thợ may chẳng ai nhớ mặt gọi tên trở thành nhà thiết kế tài năng, nổi bật và khác biệt mà bao người phải săn đón.

Những thiết kế về 'thời đại không gian', vươn tầm ảnh hưởng sang châu Á

Bước chân vào làng thời trang chưa lâu nhưng Pierre Cardin đã sớm chứng minh bản thân là một tài năng không đợi tuổi với tầm nhìn mang tính tiên phong và những ý tưởng đi trước thời đại.
Với sự xuất hiện của cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Nga vào những năm 1950, 1960, ông đã cho ra mắt bộ sưu tập “Cosmocorps” - thời trang unisex đỉnh cao từ thế giới tương lai. Các thiết kế trong thời đại không gian của ông nổi bật với “mũ bảo hiểm”, áo kinetic tunics, giày cao đến đùi… “Trang phục yêu thích của tôi là thứ tôi phát minh ra cho một cuộc sống chưa tồn tại - thế giới tương lai”, Cardin chia sẻ. Hay như ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 2009 với AFP: “Thời trang và thiết kế không giống nhau. Thời trang là những gì bạn có thể mặc. Thiết kế có thể gây khó chịu và không được ưa chuộng nhưng nó thể hiện tầm sáng tạo. Vì vậy, thiết kế là nơi giá trị thực nằm ở đó ”.

Pierre Cardin bên các người mẫu sau buổi trình diễn năm 1967 tại Paris

ẢNH: AFP

Cũng ngay từ thập niên 1950, Cardin đã nhìn thấy tiềm năng của các thị trường ngoài nước Pháp và bắt đầu tấn công sang châu Á, điều mà các công ty thời trang đa quốc gia lúc bấy giờ còn chưa chú ý đến. Năm 1957, ông đến Nhật Bản và trở thành một trong những nhà thiết kế châu Âu đầu tiên khám phá ra những ảnh hưởng của châu Á đối với ngành thời trang. Theo Reuters, cùng với những chuyến đi đầy cảm hứng đến xứ sở hoa anh đào, Pierre Cardin sau đó đã giới thiệu bộ sưu tập thời trang ở Trung Quốc vào năm 1979, khi đất nước tỉ dân còn khép kín với thế giới bên ngoài. Hồi 1991, chỉ hai năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, buổi trình diễn của nhà thiết kế người Pháp gốc Ý trên Quảng trường Đỏ ở Moscow (Nga) đã thu hút đến 200.000 khán giả, một con số gây sửng sốt làng thời trang lúc bấy giờ.
Cùng với những ý tưởng vượt khỏi khuôn khổ nước Pháp, Pierre Cardin cũng được biết đến với những quyết định táo bạo mà không phải nhà thiết kế nào cũng dám làm. Tài năng người Pháp đã mạnh dạn đưa thời trang cao cấp đặt làm riêng cho khách hàng cá nhân sang những thiết kế may sẵn mang tính đại chúng. Năm 1959, ông gây chấn động giới thời trang khi giới thiệu buổi trình diễn đồ may sẵn tại một cửa hàng bách hóa ở thủ đô Paris. Đây được xem là một điều đi ngược với lối mòn thời bấy giờ và khiến ông tạm bị trục xuất khỏi Chambre Syndicale de la Couture - hiệp hội các nhà thiết kế thời trang cao cấp của Pháp.

Suốt cuộc đời sáng tạo, Pierre Cardin luôn đề cao, theo đuổi sự khác biệt

ẢNH: REUTERS

Người tiên phong xây dựng thương hiệu thời trang

Pierre Cardin là nhà thiết kế đầu tiên bán các bộ sưu tập trong các cửa hàng bách hóa vào cuối những năm 1950 và là người đầu tiên tham gia kinh doanh cấp phép cho nước hoa, phụ kiện và thậm chí cả thực phẩm - những điều mà về sau đã mang lại lợi nhuận cho hàng loạt hãng thời trang khác. Theo Reuters, khó có thể tưởng tượng được rằng nhiều thập niên năm sau, socola Armani, khách sạn Bulgari, kính râm Gucci... đều dựa trên nhận thức của Cardin rằng sự hào nhoáng của một thương hiệu thời trang có tiềm năng kiếm tiền bất tận.
Đến những năm 1970, Cardin trở thành người tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu. Tên của ông có mặt trên đủ loại mặt hàng: từ ô tô Cardin AMX Javelin, những thiết kế thời trang đắt đỏ, những bộ quần áo bình dân đến đồ gia dụng, phụ kiện, nước hoa, thuốc lá, thậm chí cả thực phẩm. Ông được tờ New York Times ca ngợi là “người có tầm nhìn xa trông rộng về thương hiệu”. Năm 2002, thời báo nổi tiếng nước Mỹ ghi nhận khoảng 800 sản phẩm mang tên huyền thoại làng mốt này đã được bán ở hơn 140 quốc gia, thu về khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Người tiên phong của làng mốt đương đại từng chia sẻ ông sẽ không cảm thấy phiền lòng nếu tên viết tắt của mình (PC) được in lên giấy vệ sinh hay trở thành nguồn cảm hứng cho các sản phẩm tương tự. Cùng với đó, Pierre Cardin sở hữu nhiều bất động sản giá trị ở nhiều nơi trên thế giới.

Kiếm bộn tiền từ bộ óc kiệt xuất của mình song Cardin khẳng định ông không làm tất cả vì tiền tài

ẢNH: REUTERS

Cũng vì tận dụng, khai thác tối đa thương hiệu cá nhân, Pierre Cardin vướng nhiều lời gièm pha. Không ít người buộc tội ông đã phá hủy giá trị thương hiệu và khái niệm đồ xa xỉ nói chung. Thế nhưng, doanh nhân thời trang này chẳng mảy may quan tâm đến những lời đàm tiếu. Cardin nói với tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức vào năm 2007: “Tôi có ý thức về việc tiếp thị tên mình. Liệu tiền có làm hỏng ý tưởng của một người không? Rốt cuộc tôi không mơ về tiền, nhưng trong lúc tôi thực hiện ước mơ, tôi tạo ra tiền. Mọi thứ chưa bao giờ là vì tiền hết”. 

Pierre Cardin không ngại giúp đỡ những nhà thiết kế trẻ trong hành trình sáng tạo thời trang, thực hiện ước mơ của mình

ẢNH: REUTERS

Dành gần cả đời người cống hiến cho thời trang, Pierre Cardin đã làm biết bao người căm ghét vì sự tài năng, kiệt xuất và các phát kiến được cho là điên rồ của mình nhưng cũng khiến giới mộ điệu phải nghiêng mình ngưỡng mộ vì bộ óc sáng tạo tuyệt vời cùng những ý tưởng kinh doanh khôn ngoan. Nhà thiết kế huyền thoại ảnh hưởng đến các sàn diễn với những chiếc váy bong bóng, phong cách vị lai hay những đường cắt may, họa tiết hình học không thể trộn lẫn.
Trong những giây phút cuối đời, Pierre Cardin vẫn hăng say lao động, sáng tạo. Nhà thiết kế gạo cội cho biết ông vẫn luôn đánh giá tính độc đáo trên bất kỳ thứ gì khác. “Tôi luôn cố gắng trở nên khác biệt, được làm chính mình, còn việc mọi người có thích hay không không quan trọng”, huyền thoại làng mốt nói với Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.