Giảm chi phí cho doanh nghiệp, gỡ vướng thị thực

Mai Hà
Mai Hà
20/03/2023 05:58 GMT+7

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương quan trọng của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.

Sáng 19.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) thường niên năm 2023, do Bộ KH-ĐT phối hợp tổ chức. Sau 25 năm hoạt động (từ năm 1997), diễn đàn đã trở thành kênh đối thoại chính sách lớn giữa Chính phủ VN và cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các hiệp hội DN nước ngoài.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp, gỡ vướng thị thực - Ảnh 1.

Thủ tướng trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế tại diễn đàn

TTXVN

Giá điện phải phù hợp thu nhập của người dân

Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội bày tỏ quan tâm tới đầu tư điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, bộ này đang hoàn thiện Quy hoạch điện 8, với mục tiêu chính là đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với một chi phí hợp lý.

Trước các kiến nghị của nhà đầu tư về giá điện tái tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết VN có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời vừa qua đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh kinh doanh có lúc lãi, lúc lỗ, quan trọng nhất là tính toán lâu dài để có lãi. "Chúng tôi không muốn ai đến đây đầu tư kinh doanh mà lỗ cả, phải có lãi, lãi càng cao, càng nhiều, càng tốt", Thủ tướng nói. Song các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, VN đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới.

Với đầu tư điện gió, điện mặt trời tại VN, vấn đề giá phải phù hợp, do GDP bình quân đầu người của VN chỉ hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm. "Tôi kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ VN để bảo đảm công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng. Các dự án đầu tư vào VN lãi suất phải giảm đi, thời hạn cho vay phải dài hơn thì mới phù hợp với giá điện, thu nhập của người VN", Thủ tướng nêu.

Sẽ giải quyết vướng mắc thị thực

Tại diễn đàn, vấn đề thị thực cũng được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham), cho rằng cảnh quan, thiên nhiên tươi đẹp cùng di sản văn hóa giàu có khiến VN trở thành một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch.

"Để khai thác tối đa tiềm năng này, việc miễn thị thực một tháng nên được mở rộng cho tất cả các nước EU và các nước có nhiều khách du lịch khác. Hơn nữa, việc thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu tự túc trong 3 đến 6 tháng có thể là chất xúc tác cho ngành du lịch phát triển mạnh, giống như sự thành công của các quốc gia láng giềng VN", ông Gabor Fluit nêu.

Theo EuroCham, thị trường Úc và New Zealand cũng như các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu đều là thị trường tiềm năng với sức chi lớn, khoảng từ 100 - 150 USD/ngày. Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực chưa thỏa đáng với các quốc gia này. EuroCham khuyến nghị visa miễn thị thực 14 ngày với Úc và New Zealand, có thể tăng lên tối đa là 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người. Cho rằng qua đại dịch, thói quen du lịch của du khách đã thay đổi, với tần suất ít hơn, nhưng lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến, EuroCham khuyến nghị VN kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày.

Cùng chia sẻ về vấn đề thị thực, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại VN (AmCham), kiến nghị đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để hỗ trợ trao đổi kinh doanh quốc tế. Theo AmCham, yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Hiện nhiều tổ chức nước ngoài có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại VN, lý do phải có người bảo lãnh để xin cấp thị thực cho lao động nước ngoài của mình. AmCham đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, như bỏ quy định phải hợp pháp hóa hồ sơ để xin giấy phép lao động; mở rộng chính sách cấp visa điện tử và miễn thị thực để tạo điều kiện đi công tác; mở rộng cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thị thực cá nhân...

Trước kiến nghị này, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa thị thực, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho DN nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho VN nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương quan trọng của VN nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. VN đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số.

Trong quá trình chuyển dịch, Thủ tướng khẳng định VN sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá, tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau". Chính phủ VN tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách; cắt giảm chi phí cho DN; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.