85 chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chưa gửi hồ sơ cho EVN

18/03/2023 23:18 GMT+7

EVN đề nghị 85 chủ đầu tư có dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gửi hồ sơ chuẩn bị đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện nhưng sau 10 ngày gửi văn bản vẫn không có đơn vị nào gửi hồ sơ.

Ngày 18.3, EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, ngày 9.3, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN đã có văn bản 1790/EPTC-KDMĐ gửi 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị gửi các hồ sơ làm cơ sở chuẩn bị đàm phán.

85 chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chưa gửi hồ sơ cho EVN - Ảnh 1.

85 chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp chưa gửi hồ sơ để làm cơ sở đàm phán giá điện với EVN

THANH NIÊN

Cụ thể, căn cứ theo khoản 2 điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 3.10.2022, EPTC yêu cầu các chủ đầu tư rà soát hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và có ý kiến của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án.

Các chủ đầu tư xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31.12.2020 của Bộ Công thương.

EPTC cũng đề nghị 85 chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án theo danh mục, trong đó các hồ sơ liên quan đến thông số tài chính của dự án. Hồ sơ tính toán sản lượng điện và văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với điện lượng của dự án. Các tài liệu tính toán tổn thất công suất và điện năng của máy biến áp, đường dây truyền tải từ nhà máy điện đến điểm đấu nối với hệ thống điện quốc gia và tài liệu tính toán điện tự dùng trong nhà máy điện…

Tuy nhiên, theo EPTC, đến ngày 18.3 vẫn chưa có chủ đầu tư nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ theo đề nghị để có cơ sở triển khai theo đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, ngày 10.3, 36 nhà đầu tư có dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh bất cập trong Quyết định 21 và Thông tư 15 của Bộ Công thương về cơ chế giá phát điện.

Các nhà đầu tư bày tỏ quan ngại, nếu cơ chế mới về giá điện do Bộ Công thương được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng số vốn đã đầu tư gần 85.000 tỉ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỉ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Các nhà đầu tư cho rằng, Bộ Công thương ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng, còn bất cập về pháp lý...

Đến ngày 15.3, Bộ Công thương đã phản hồi thông tin về các kiến nghị của 36 chủ đầu tư. Theo đó, Bộ Công thương khẳng định việc ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Công thương đã có các báo cáo đúng trình tự, thủ tục với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp; cũng như đã quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có quyết định thành lập hội đồng tư vấn độc lập lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.