Bộ Công thương phản hồi kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời

16/03/2023 00:15 GMT+7

Chiều 15.3, Bộ Công thương đã phản hồi về kiến nghị của 36 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 10.3, các nhà đầu tư đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Bộ Công thương phản hồi kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời - Ảnh 1.

Bộ Công thương khẳng định, dự thảo và ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định

TN

Các nhà đầu tư cho rằng, quá trình ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công thương dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.

Bộ Công thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Công ty Mua bán điện (EVN/EPTC) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn. Phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính khách quan.

Phản hồi kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Công thương khẳng định việc ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định.

Theo đó, Bộ Công đã có các báo cáo đúng trình tự, thủ tục với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, cũng như đã quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có quyết định thành lập hội đồng tư vấn độc lập lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp.

Khung giá được tính trên cơ sở chi phí thực tế

Liên quan đến kiến nghị về cách tính khung giá điện mặt trời, điện gió, Bộ Công thương (dẫn thông tin từ Cục Điều tiết điện lực) cho biết theo các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, Viện Năng lượng cho biết suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN, suất đầu tư được thẩm định, lựa chọn trên cơ sở suất đầu tư các dự án giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.

Theo nghiên cứu của tư vấn quốc tế, bức xạ mặt trời trên lãnh thổ Việt Nam được chia làm 3 vùng, trên cơ sở 164 dự án điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN, có 134/146 dự án nhà máy điện mặt trời thuộc vùng 3 (tương đương 91,78%). Theo đó bức xạ mặt trời để tính toán sản lượng bình quân nhiều năm được lấy theo bức xạ của tỉnh Bình Thuận (địa điểm thuộc vùng 3 và xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2) theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn quốc tế là 5,23 kWh/m2/ngày (tương đương 1.908,95 kWh/m2/năm).

Còn theo ý kiến của hội đồng tư vấn, để phù hợp với các quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3.10.2022, khung giá áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất không tính toán theo thông số của Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 mà được thẩm định trên cơ sở lựa chọn bộ thông số đầu vào như suất đầu tư, bức xạ mặt trời tại vùng 3 (tỉnh Bình Thuận) và các thông số khác được lựa chọn theo số liệu thu thập từ các nhà máy điện mặt trời mặt đất đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời điểm giá bán điện ưu đãi (giá FIT) hết hiệu lực.

Giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành (theo quy định tại điều 3, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Cục Điều tiết điện lực khẳng định, việc thay đổi giá bán lẻ điện bình quân không chỉ xem xét chi phí phát điện (bao gồm chi phí mua điện từ nhà máy điện mặt trời, điện gió) mà bao gồm nhiều khâu khác.

Cơ chế giá FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các dự án đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.