Giám đốc đăng kiểm không biết đọc, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm có trách nhiệm?

05/01/2023 15:05 GMT+7

Nhiều người đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam trong vụ việc Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D không biết chữ, không biết đọc.

Vụ việc ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (H.Nhà Bè, TP.HCM) không biết chữ, không biết đọc đang khiến dư luận bất ngờ.

Theo đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT), Trung tâm Đăng kiểm 50-17D hoạt động theo mô hình xã hội hoá, ông Tài là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, một phó giám đốc khác mới là đăng kiểm viên và cũng là người điều hành hoạt động, ký giấy chứng nhận đăng kiểm.

Trung tâm Đăng kiểm 50-17D tại H.Nhà Bè (TP.HCM)

ctv

Điều 24 Nghị định 139/2019 quy định: lãnh đạo đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối tượng chịu điều chỉnh của Nghị định 139 là vị phó giám đốc chứ không phải ông Tài.

Nhiều người đặt vấn đề: phải chăng đang có lỗ hổng trong quy định liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm gì trong việc này hay không?

Hồ Hữu Tài - Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, làm để trả nợ

“Không thể chấp nhận được”

“Đây là một câu chuyện bi hài, không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phải thốt lên với Thanh Niên khi nhắc tới vụ việc trên.

Theo ông Thanh, ở cương vị giám đốc điều hành một trung tâm đăng kiểm, yêu cầu đặt ra là phải có trình độ hiểu biết nhất định. Bởi có trình độ thì mới chỉ đạo được người khác, mới điều hành được công việc diễn ra tại trung tâm.

Dẫn lại giải thích của đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới, ông Thanh cho rằng nói như vậy là chưa hết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Lý do, đăng kiểm là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người và an toàn giao thông. Việc chỉ quy định tiêu chuẩn đối với lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người ký giấy chứng nhận kiểm định mà không bao gồm vị trí giám đốc như ông Hồ Hữu Tài cho thấy một kẽ hở rất lớn của pháp luật.

“Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận về thiếu sót này trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định mới nhằm kịp thời khắc phục, điều chỉnh”, ông Thanh nêu quan điểm.

Nhấn mạnh việc cần làm tới đây là điều chỉnh quy định sao cho phù hợp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng phải đưa ra một tiêu chuẩn cần có đối với giám đốc trung tâm đăng kiểm (các trường hợp do tư nhân đầu tư, giám đốc không phải đăng kiểm viên - PV).

Tiêu chuẩn ấy cụ thể ra sao thì đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây có thể gọi tên Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Việc xây dựng tiêu chuẩn cần dựa trên tham khảo từ các chuyên gia và ý kiến của cơ quan chức năng có liên quan. Ví dụ, giám đốc trung tâm đăng kiểm phải có trình độ nhất định về học thức, có am hiểu về cơ khí, có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực vận tải…

“Anh có tiền và muốn đầu tư, chuyện này không ai cấm. Tuy nhiên, anh chỉ được đầu tư dưới hình thức góp vốn chẳng hạn, còn khi anh đã đứng tên làm giám đốc thì phải có trình độ nhất định”, ông Thanh cho hay.

4 phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Bắc Giang bị bắt

Sẽ sửa quy định cho phù hợp

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết pháp luật hiện nay không có điều kiện về trình độ với chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm, chỉ có điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của đơn vị đăng kiểm. Trong đó, điều kiện về trình độ chỉ áp dụng với các đăng kiểm viên, người chịu trách nhiệm ký lên các giấy tờ chứng nhận đăng kiểm.

Ông An dẫn ví dụ, một người có tiền và bản thân không vi phạm pháp luật thì họ có quyền thành lập doanh nghiệp, không có quy định nào yêu cầu họ phải đạt trình độ văn hóa ra sao.

Dù vậy, vị phó cục trưởng thừa nhận đây là vấn đề bất cập, nhất là khi đối chiếu với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, một lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và xã hội.

Theo ông An, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo, Bộ GTVT cũng có chỉ đạo về việc tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung tất cả các văn bản có liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, bao gồm Nghị định 139/2018. Việc sửa đổi sẽ thực hiện từ điều kiện cơ sở vật chất cho đến yếu tố con người.

Thực tế, kiểm định xe cơ giới là ngành nghề kinh doanh đặc thù, có điều kiện, không chỉ đơn thuần bỏ tiền ra đầu tư và kiếm lợi nhuận. Sản phẩm đầu ra của hoạt động này là phương tiện giao thông, liên quan trực tiếp đến an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của người dân, phải có những quy định và điều kiện riêng.

Do đó, việc sửa đổi quy định sẽ theo hướng người dân muốn tham gia kinh doanh phải có hiểu biết nhất định về kiểm định, phải hiểu về sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp là gì, liên quan thế nào đến người dân, xã hội, đến an toàn con người.

“Quy định cụ thể thì các cơ quan chuyên môn cùng tham gia xây dựng, ngay cả người dân cũng có quyền đóng góp ý kiến, trên tinh thần phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả cho xã hội”, ông An nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.