Hôm qua (11.12), hội nghị toàn quốc về công tác giảm nghèo diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, chúng ta đã giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên Bộ LĐ-TB-XH cho hay tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, khi tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Thủ tướng lưu ý kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu giảm nghèo trong thời gian tới phải là “công việc của cả trí tuệ và trái tim”. Ông đề nghị cần sớm nghiên cứu trình T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030 cũng như trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 - vì một VN không có đói nghèo.
Bình luận (0)