Chiều 12.9, tiếp tục phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Đây là chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiến hành trong năm 2024. Đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, theo nghị quyết của Quốc hội.
Dự kiến giám sát 10 bộ, 12 địa phương
Báo cáo dự kiến kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới (Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát nói trên) cho biết mục đích giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các bộ, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Từ đó, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Qua giám sát còn làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Cũng theo ông Tới, đoàn giám sát dự kiến thực hiện giám sát tại Chính phủ, các bộ: GTVT, Công an, Quốc phòng, Y tế, Tài chính, TT-TT, GD-ĐT, Tư pháp, Xây dựng, KH-ĐT. Trong số này, trọng điểm giám sát là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cũng thuộc đối tượng giám sát theo kế hoạch. Trong đó có 12 địa phương đoàn công tác đến làm việc trực tiếp, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ.
Cạnh đó, đoàn khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, như: Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP. Đà Nẵng; một số doanh nghiệp đường thủy nội địa, hàng hải; một số hãng taxi; một số trường giáo dục phổ thông…
"Trường hợp cần thiết, trưởng đoàn giám sát có thể bổ sung một số đơn vị, doanh nghiệp, tổng công ty", ông Tới cho hay.
Cần có trọng tâm, trọng điểm
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xem lại phạm vi giám sát. Ông Định nhận xét, nội dung, phạm vi giám sát bao gồm 5 loại đường từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng hải cho tới đường không, "trên trời, dưới đất, dưới nước đủ cả" là rất rộng.
"Có lẽ trong lịch sử chưa bao giờ giám sát có phạm vi như thế này. Nên chăng, việc giám sát chỉ tập trung vào an toàn giao thông đường bộ để làm cơ sở hoàn thiện 2 luật Đường bộ và luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ", ông Định nêu vấn đề.
Đồng tình, nhiều đại biểu đều đề nghị thu hẹp phạm vi giám sát đến đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, liên quan đến trật tự an toàn giao thông thì đường bộ có tỷ lệ vi phạm cao nhất, do đó cần giám sát nhất, qua đó làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.
"Với phạm vi quá rộng, thời gian giám sát có hạn, chúng tôi thấy đoàn giám sát khá vất vả. Nên thu gọn lại, tập trung vào an toàn giao thông đường bộ, cùng lắm là giám sát thêm đường sắt", ông Tuyến nói.
Nhấn mạnh giám sát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là cần thiết, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Chính phủ sẽ chấp hành quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp tốt với đoàn giám sát.
Ông Quang cũng tán thành giám sát cần có "trọng tâm, trọng điểm". "Đề bài Quốc hội giao cho chúng ta khá rộng. Theo tôi, hợp lý hơn nếu có chữ đường bộ thì từ 5 loại chỉ còn 1 loại hình thôi. Nhưng đề bài Quốc hội đã giao thì phải làm, tuy nhiên có thể khu trú lại để đặt ra những vấn đề trọng tâm", ông Quang nói.
Phó thủ tướng cũng đề nghị đẩy giám sát về an toàn giao thông đường bộ lên trước để có thông tin, dữ liệu phục vụ cho quá trình xây dựng 2 dự thảo luật là luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp 6 (cuối năm 2023) và thông qua tại kỳ họp 7 (giữa năm 2024).
Bình luận (0)