Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An đang giám sát chặt chẽ một loại giống ớt có nguồn gốc từ Trung Quốc được trồng ở 4 xã nhưng chưa hề được kiểm dịch.
|
Sự việc bắt đầu từ ngày 12.11.2013, Liên minh HTX Nghệ An có công văn đề nghị Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nghệ An kiểm định chất lượng giống ớt cay GB16715.3 - 2010 xuất xứ từ Công ty TNHH Hạt giống Phú Tứ (Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc) để trồng trên diện tích 40 ha ở 4 xã trong tỉnh. Ngay sau đó, Chi cục BVTV đã đề nghị Liên minh HTX cung cấp hồ sơ kiểm dịch thực vật theo qui định (nhưng không được đáp ứng) và đã có công văn đề nghị không được phép gieo trồng giống ớt này.
Thế nhưng, ngày 20.12, Chi cục BVTV Nghệ An phát hiện giống ớt này đã được gieo trồng ở 4 xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn), Nghi Kiều, Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) và Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) với số lượng cây giống đủ trồng cho 50 ha đất.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nghệ An, cho biết giống ớt này lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam. Việc Liên minh HTX phối hợp với doanh nghiệp Trung Quốc đưa vào gieo trồng mà không cung cấp hồ sơ là trái với qui định về bảo vệ kiểm dịch thực vật. “Đối với giống lần đầu nhập khẩu, phải được gieo trồng trong khu cách ly và phải được Trung tâm Kiểm định thực vật thuộc Cục BVTV kết luận về tình trạng nhiễm dịch trên giống đó. Nếu đạt yêu cầu mới đem ra khảo nghiệm, gieo trồng”, ông Đức đơn cử.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An Trần Đình Hường lý giải: Theo hợp đồng được ký kết giữa Liên minh HTX và Công ty TNHH Rau quả Toàn thịnh cảng liên vận Thượng Hải, Trung Quốc (gọi tắt là Công ty rau quả), công ty này sẽ đưa giống ớt GS888 do Công ty TNHH Giống cây trồng Toàn cầu có trụ sở ở Hà Nội cung cấp, nhưng sau lại tự ý đưa giống ớt chưa thực hiện đủ thủ tục theo qui định về gieo trồng. “Lỗi này là do Công ty Rau quả Thượng Hải chứ không phải của chúng tôi”, ông Hường quả quyết.
Ngày 9.1, Chi cục BVTV đã tổ chức họp với các bên liên quan. Tại cuộc họp này, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị tiếp tục cho gieo trồng giống ớt này. Ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ Phòng Kiểm dịch thực vật thuộc Chi cục BVTV Nghệ An cho biết, theo Nghị định 172/2007 của Chính phủ, sau khi xử phạt hành chính đơn vị cấp giống, Chi cục vẫn tiếp tục cho gieo trồng giống ớt này và giám sát chặt chẽ vì sợ những loại dịch bệnh nguy hiểm có thể xuất phát từ loại giống này rồi phát tán ra bên ngoài.
Cũng theo ông Tuấn, việc đổ lỗi của Liên minh HTX thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong giám sát hợp đồng đã ký với DN Trung Quốc và sự tắc trách với nông dân.
K.Hoan
>> Người trồng ớt lo lắng
>> Giám đốc "biến mất", cả nghìn hộ trồng ớt "cay xè
>> CJ trồng ớt tại Ninh Thuận
Bình luận (0)