Giảm tải nội dung vẫn chưa làm giảm áp lực việc học

16/11/2020 09:07 GMT+7

Để giảm tải nội dung chương trình, ngay từ đầu năm học này, Bộ GD-ĐT đã chủ động yêu cầu nhà trường THCS và THPT điều chỉnh nội dung dạy học cả năm học theo tinh thần Công văn số 3280/BGDĐT, ngày 27.8.2020.

Tuy nhiên, chỉ mới hết một nửa học kỳ 1, song chúng tôi thấy còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa giảm đáng kể áp lực việc học cho học sinh (HS).
Giáo viên dạy môn tin học tại một trường THPT ở Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Có những bài học khá đơn giản trong chương trình, đa số HS đều thành thạo. Vì thế, Bộ đã chủ động giảm tải. Nhưng nhiều giáo viên chưa thông tinh thần này của Bộ, nên bắt buộc HS phải tự học ở nhà, và còn ra thêm quá nhiều bài tập nặng nề, không cần thiết”. Tất cả môn học đều được giảm tải bằng cách bỏ hẳn không dạy, khuyến khích tự học, giảm nội dung hoặc tích hợp thành các chủ đề. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, nhiều giáo viên yêu cầu việc HS tự học quá nhiều, khiến các em cảm thấy nặng nề. Kèm theo đó là việc giao bài tập về nhà quá nhiều vì tâm lý chung của giáo viên là sợ giảm tải thì HS bỏ bài, mất bài. Đến nỗi đã có lãnh đạo trường phổ thông phải đưa ra quy định cho giáo viên về việc cho bài tập về nhà với HS.
Dạy học tích hợp theo chủ đề của giáo viên cũng chưa thật khoa học, nên việc học còn dàn trải. Trong khi đó cách kiểm tra đánh giá vẫn như cũ, nên chưa phù hợp với việc dạy học, không giảm được áp lực kiến thức. Chẳng hạn với môn ngữ văn, những kiến thức trọng tâm đa số được tích hợp theo chủ đề, nhưng khi kiểm tra thì đề ra theo yêu cầu đơn vị bài học là chưa hợp lý.
Song song với đó, theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung về quy chế đánh giá, xếp loại HS trung học, thì mỗi học kỳ, ngoài các bài kiểm tra thường xuyên và kiểm tra cuối kỳ, HS chỉ còn 1 bài kiểm tra giữa kỳ. Điều này làm cho HS áp lực rất lớn khi ôn tập và nhiều em làm bài điểm thấp trong đợt kiểm tra này không khỏi lo lắng. Lo vì không còn bài kiểm tra hệ số 2 khác để gỡ điểm thấp như trước đây. Cho nên áp lực bài kiểm tra giữa kỳ này giống như bài thi học kỳ lần 1. Áp lực điểm số này dồn vào các con điểm kiểm tra thường xuyên, và đặc biệt là bài kiểm tra cuối kỳ.
Như vậy, xem ra đã giảm tải nội dung, giảm tải số bài kiểm tra nhưng chưa thật sự giảm tải áp lực cho người học.
Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26.8.2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12.12.2011, trong đó có những điều chỉnh khá mạnh mẽ.
Một trong những điểm mới của thông tư là tổng số đầu điểm kiểm tra, đánh giá với HS giảm. Trong mỗi học kỳ, ở mỗi môn học, HS chỉ có một bài kiểm tra giữa học kỳ và một bài kiểm tra cuối học kỳ, không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Với môn có số lượng tiết nhiều nhất là toán, ngữ văn thì HS có 3 bài kiểm tra 1 tiết/học kỳ. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đa dạng hơn. Nếu như trước đây, HS được kiểm tra qua việc hỏi - đáp, viết, thì với quy định mới, việc kiểm tra, đánh giá có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến với các hình thức như hỏi - đáp, viết, thực hành, dự án học tập... Điểm khác biệt nữa là bên cạnh hình thức viết trên giấy, bài kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ có thể được thực hiện trên máy tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.