Theo các nghiên cứu, tổn thất sau thu hoạch của cây lúa ở ĐBSCL mỗi năm trên 3.000 tỉ đồng, tương đương 10 - 12% tổng sản lượng. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tại VN tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10 - 20%, rau quả là 10 - 30%.
Hạn chế tiếp cận thị trường thế giới
Theo nghị định về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, mục tiêu đến năm 2020, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo giảm từ 10% xuống còn 5 - 6%; thủy sản, rau quả xuống dưới 10% so với 20% hiện nay...
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, với cây lúa tổn thất sau thu hoạch hiện nay còn rất lớn; với nhiều ngành khác chúng ta gần như chưa có công nghệ, máy móc gì ở khâu này. "Khâu thu hoạch và sau thu hoạch ở nhiều lĩnh vực của VN mới mấp mé ngưỡng công nghệ 2.0, ngoại trừ một số mô hình chăn nuôi công nghiệp được đầu tư tốt trong thời gian gần đây", GS Bùi Chí Bửu nói.
Đó lại là sự thật. Bằng chứng là ở ngành rau quả - “ngôi sao đang lên” của nông sản Việt, có khoảng 70% sản lượng xuất khẩu đi Trung Quốc dưới dạng thô, tươi trong khi các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, EU… số lượng rất hạn chế. Nguyên nhân chỉ đơn giản là khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế nên chưa vào được thị trường cao cấp. Tương tự với ngành khai thác hải sản, cụ thể là cá ngừ đại dương, mặt hàng thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng với giá thu mua rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản đã sang tận VN để hỗ trợ khâu sau thu hoạch nhằm đưa sản phẩm vào thị trường Nhật. Tuy nhiên nhiều năm nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo GS Bửu, sự tổn thất này không chỉ là tỷ lệ nông sản bị mất đi mà chúng ta có thể ước lượng được; cái mất lớn hơn là nó làm giảm chất lượng, giá trị của nông sản và đặc biệt là khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Để khắc phục hạn chế này, giải pháp tốt nhất chính là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Muốn vậy phải có chủ trương chính sách của nhà nước khuyến khích doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước hỗ trợ bằng việc đầu tư cho các viện, trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở khâu sau thu hoạch.
Tổn thất hàng ngàn tỉ đồng
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ NN-PTNT thừa nhận: Từ năm 2011 tới cuối tháng 6.2017, doanh số cho vay cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt 8.132 tỉ đồng, ngân sách hỗ trợ lãi suất trên 600 tỉ đồng. Do lãi suất còn cao (8,55%/năm), không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích đầu tư. Hiện tại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào cây lúa, các lĩnh vực khác còn ít. Thế nên chỉ riêng lĩnh vực lúa gạo ở khu vực ĐBSCL, tổn thất đã lên đến khoảng 3.000 tỉ đồng. Nếu tính trên quy mô cả nền nông nghiệp, con số tổn thất sẽ là vài chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Sự lãng phí này đã được đề cập từ nhiều năm trước, tuy nhiên các chính sách, công cụ để cắt giảm sự tổn thất này chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Quốc Vong, chuyên gia Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc), để phát triển một sản phẩm nông nghiệp họ đi từ giống, quy trình sản xuất, chế biến và thị trường. Họ nghiên cứu toàn bộ đường đi như vậy và gắn nó với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào từng khâu sản xuất.
tin liên quan
48 tỉ đồng xây dựng 3 trung tâm sau thu hoạchTheo TS Arjo Rothuis, Giám đốc Hợp tác quốc tế khu vực châu Á (ĐH Wageningen, Hà Lan), để thúc đẩy ngành nông sản xuất khẩu phát triển cần có chiến lược cụ thể với tầm nhìn dài hạn. Từ đó xây dựng chính sách phù hợp và thu hút đầu tư cũng như hệ thống nghiên cứu đi kèm. Ở khâu sau thu hoạch không chỉ là việc phát triển công nghệ thực phẩm làm sao tươi ngon mà còn gia tăng thời gian sử dụng. Việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển làm sao tiết kiệm năng lượng mà sản phẩm vẫn tươi ngon là những đòi hỏi mới hiện nay của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Hiện nay các nước phát triển không chỉ hoàn thiện khâu sau thu hoạch mà còn phát triển lên một bước cao hơn là cải tiến cách thức đóng gói bao bì sản phẩm, công nghệ bảo quản, vận chuyển để làm sao tiết kiệm được năng lượng mà chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng. "Hiện chúng tôi đã nghiên cứu thành công cách đóng gói sản phẩm, bảo quản tiết kiệm đến 65% năng lượng so với điều kiện bảo quản tiêu chuẩn cho các sản phẩm: táo, kiwi, lê, nho, xoài, ớt, dưa, quýt... VN muốn phát triển cần đầu tư mạnh cho khâu sau thu hoạch kết hợp với hạ tầng logistics để đưa nông sản tiếp cận thị trường nhanh hơn", vị này nói.
Bình luận