Không như nhiều loại bánh khác, bánh tráng khoai lang có thể vừa ăn sống, hoặc nướng rồi ăn. Nói ăn sống chứ thật ra bánh đã chín, nhờ khoai lang đã được luộc trước đó.
|
Sau khi luộc, khoai được cho vào máy xay hoặc quết nhuyễn, rồi trộn đều với đường, gừng, mè. Nếu khách yêu cầu, người chế biến sẽ cho thêm sữa. Tiếp đó, dùng khuôn ép, in thành những chiếc bánh hình tròn, đường kính khoảng 25 cm, đem phơi nắng và đóng gói. Mỗi gói bánh có 10 chiếc, giá từ 15.000 - 20.000 đồng.
Do bánh khoai lang được ưa chuộng nên gần như ghé bất cứ sạp bánh tráng ở Bình Định đều có bán loại bánh này. Nhưng để mua được những mẻ bánh mới, mềm, thì phải tìm đến những sạp bánh ở Tam Quan, Hoài Nhơn, nơi sinh ra món đặc sản ấy.
Mỗi lần giới thiệu bánh tráng khoai lang, không ít bạn bè tỏ ra ngạc nhiên, lạ lẫm. Vì nhắc đến khoai, hầu như ai cũng quen với việc thưởng thức nguyên cả củ nóng hổi, luộc hoặc nướng. Còn bánh tráng, một là nhúng nước để cuốn với rau, hai là nướng chín. Đây lại là bánh tráng được làm bằng khoai lang nên lần đầu sẽ... không biết phải ăn như thế nào.
Chính vì vậy, khi tặng món đặc sản quê hương này, đều phải kèm theo hướng dẫn: có thể xé từng miếng ăn như bánh tráng sữa Bến Tre, vừa dai vừa ngọt, hoặc nướng lên, nhai giòn tan như khoai tây chiên, cảm nhận vị ngọt bùi, âm ấm hơi cay của gừng và nhất là mùi khoai nướng thơm phức. Khi nướng lên rồi cũng khó cưỡng nổi hương thơm đồng nội này.
Không chắc chắn tất cả, nhưng hầu như người con Bình Định nào đi xa lập nghiệp cũng đều mang theo vài túi bánh tráng khoai lang để làm quà. Ở đó toát lên sự giản dị, chất phác, thật thà... như vùng đất và con người nơi đây. Rất nhiều sinh viên Bình Định du học ở nước ngoài, thỉnh thoảng gọi điện về gia đình hoặc bạn bè, cứ đòi gửi bánh tráng khoai lang sang. Biết rõ không phải cao lương mỹ vị, cũng không phải lương thực chính, nên ai cũng hiểu ẩn sau đó là nỗi nhớ da diết của những người con xa xứ, đang mong mỏi một chút hồn quê...
Phan Khánh Minh
Bình luận (0)