Khi nhiều tỉnh thành có phương án cho học sinh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19, hầu hết học sinh, sinh viên đều vui mừng mong ngày đến trường. Nhưng niềm mong ước đó càng lớn hơn với những học sinh vùng sâu, vùng xa khi hành trình học trực tuyến của các em thời gian qua đã vô cùng gian nan.
Qua 3 chuyến đò từ thị trấn Cần Thạnh, chúng tôi mới đến được nơi mà hai chị em ở ấp đảo Thiềng Liềng phải ngày ngày ra chòi muối mới bắt được tí sóng chập chờn, lúc có lúc không để học trực tuyến.
Ấp đảo Thiềng Liềng là nơi xa xôi và tách biệt nhất của xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM), nhưng nơi mà gia đình của 2 chị em Phạm Thị Quỳnh Nghi và Phạm Thị Xuân Mai sinh sống lại còn được xếp vào địa điểm “khỉ ho cò gáy” nhất của ấp đảo. Chính vì thế, đường đến nhà 2 chị em như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm và cũng vì thế mà hành trình học trực tuyến của 2 chị em chưa bao giờ dễ dàng.
|
|
“Nhà em ở trong rừng, xa lắm”
Cách đây 4 năm trong một chuyến công tác, tôi đã có dịp về đến ấp đảo Thiềng Liềng, lúc còn chưa có cầu đò, lại đúng lúc con nước chưa lên nên khi xuống thuyền phải lội bộ một đoạn bùn lún đến gần nửa người mới vào được đến ấp. Lúc ấy, những tưởng đã là chặng đường khó khăn nhất để qua được ấp này, nhưng không ngờ, Thiềng Liềng còn một nơi tách biệt hơn mà người dân ở đây gọi là “ở trong rừng”.
Một ngày gần cuối tháng tư, ngọn gió vẫn đang còn chướng, thổi tạt vào người khiến những giọt mồ hôi nhễ nhại sau chặng đường gian nan vượt gần 100 km và qua 2 chuyến đò để sang ấp đảo Thiềng Liềng, được cơ hội ngấm vào người nghe man mát. Nhưng từ cầu đò của ấp, khi gọi điện với nhã ý muốn ghé đến nhà thì Quỳnh Nghi nói với vẻ từ chối: “Nhà em ở trong rừng, xa lắm, chị không vào được đâu”.
Sau một hồi, chúng tôi cũng quả quyết muốn vào nên Nghi mủi lòng và mượn một chiếc vỏ lãi sang đón. Thế là chuyến đò thứ 3 để đến được nhà của 2 chị em. Nhưng vì chúng tôi là khách, mới được đi sang như vậy, chứ bình thường, chị em Nghi cũng như những em nhỏ ở đây đều lội bộ đường rừng và băng qua những ruộng muối từ 3, 4 giờ sáng mới đến được cầu đò để bắt thuyền sang xã đảo cho kịp giờ vào lớp.
Ấy thế mà, năm nay Nghi đã là cô sinh viên năm nhất và em Nghi đã học lớp 11. Đường đến trường dẫu gian nan, hay cái khổ cứ bám lấy gia đình khiến nhiều lần ba mẹ Nghi phải nuốt nước mắt vào trong bảo 2 chị em nghỉ học, nhưng vì ham cái chữ, vì muốn đổi thay vùng đất bao đời vẫn khó này, nên những học trò hiếu học ở đây chưa bao giờ lùi bước.
Khổ vì học trực tuyến
Vào đến nhà rồi mới hiểu vì sao Nghi ái ngại khi chúng tôi đến chơi nhà. Một phần vì đường xa khó đi, một phần vì ngại căn nhà chật chội nơi gia đình Nghi sinh sống. Nghi bảo đấy là nhà, nhưng cũng chỉ là cái chòi lá được dựng lên và nền nhà cũng chỉ toàn đất sét, được thuê lại từ chủ của ruộng muối.
Càng vào sâu trong những rừng đước ngoài ấp đảo, sóng càng yếu. Ở trong nhà Nghi dường như không còn sóng điện thoại, mỗi lần muốn nghe điện thoại hay gọi đi đâu là ra ruộng muối trước nhà và hét lớn lên để đầu dây bên kia còn nghe, và lâu lâu lại không quên hỏi “Alô, còn nghe đó không?”, để biết rằng sóng có còn ổn?
Bắt sóng điện thoại đã kém, nên để bắt được mạng 3G học trực tuyến thì chị em Nghi phải xách ghế, cầm tập và điện thoại ra chòi muối cách nhà gần 500 m để bắt sóng.
Bất kể ngày hay đêm, cứ cần mạng để học trực tuyến là chị em Nghi lại xách ghế chạy ra chòi muối. Tận dụng khoảng diện tích còn trống trong chòi muối, Nghi đặt một chiếc ghế nhỏ, ngồi xổm và bắt mạng học.
“Ở đây không có mạng nên em ít rành về công nghệ, ngày đầu học trực tuyến vô cùng khó khăn. Ngày đầu em chưa thể nào vào được vì mò mãi chẳng mở được ứng dụng để học, mãi đến ngày hôm sau, được thầy cô hướng dẫn thì em mới mở được”, Nghi nói và kể thêm: “Ngoài này mạng chập chờn, lúc được lúc mất, nên chuyện đang học màn hình đứng sựng là chuyện bình thường. Có lúc cô đang đặt câu hỏi, chưa kịp nghe thì mạng đứng, lúc sau vào lại được, em mới nói cô hỏi lại giúp em để trả lời”.
Vì trong nhà không có mạng, nên mỗi lần ra chòi muối học trực tuyến, hay những lúc xem bài giảng thầy cô tải lên, Xuân Mai phải chụp màn hình lại để lúc vào nhà còn có cái để xem lại mà giải bài tập. Lúc giải xong, Mai chụp lại và mang ra chòi muối để bắt mạng gửi đi.
Gian nan vẫn không nản chí
Ở trong rừng này, đặc sản không gì ngoài muỗi và bóng đêm. Chỉ cần lơ là một cái, nhìn lại muỗi đã bu đen kín chân. Và vì dùng điện năng lượng mặt trời, tối đến mỗi nhà chỉ thắp vỏn vẹn một bóng đèn nhỏ nên cũng chỉ đủ như ánh đèn le lói lọt thỏm giữa màn đêm đen đặc. Vì thế, chòi muối làm gì có điện. Nên dạo này, cứ tối đến, nguồn sáng phát ra từ chiếc điện thoại nơi chòi muối của chị em Nghi, sao giống như ánh sáng phát ra từ con đom đóm trong vỏ trứng của chàng trai hiếu học Mạc Đĩnh Chi ngày xưa. Nhưng chắc có phần vui tai hơn vì cứ nghe âm thanh của tiếng đập muỗi bốp bốp mỗi lúc 2 chị em ngồi bắt sóng học bài.
“Ngồi đây là xác định nạp mạng cho muỗi, nhưng mỗi lần cần sóng để học bài thì chấp nhận thôi ạ”, Xuân Mai nói.
Học trực tuyến vất vả là thế, nhưng cứ trưa nắng là chị em Nghi lại “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những ruộng muối để cùng ba mẹ làm một diêm dân thực thụ. Bao năm qua, gia đình Nghi vẫn bám lấy cái nghề mà cứ mát lại vào nghỉ và nắng phải ra dang, để kiếm tiền nuôi các con ăn học.
“Mình khổ quá rồi, sống gần 50 năm trên đời mà chưa có được cái nhà để ở. Khổ quá mới sống nơi khỉ ho cò gáy và bám lấy cái nghề vắt kiệt sức này để mưu sinh, và cũng khổ quá nên mới cố gắng lo cho con ăn học để mong tương lai của sắp nhỏ sẽ khá hơn”, ông Phạm Văn Thanh, cha của Quỳnh Nghi, trải lòng…
Thế đấy, dẫu sự khó cứ bám lấy người dân như sình lầy chẳng bao giờ chịu buông tha đôi bàn chân những diêm dân nơi ấp đảo Thiềng Liềng, thế nhưng các em vẫn kiên trì bám lấy sự học, như chị em Nghi, như cô bé Kim Thanh và những thế hệ học sinh nghèo nơi đây. Niềm quyết tâm đó khó lòng mà lay được, như 10 đầu ngón chân các em luôn bấu chặt xuống đất để không phải trượt ngã vì sình lầy mỗi lần mùa mưa đi học.(còn tiếp)
Bình luận (0)