Gian nan Thàng Tín

17/11/2013 03:05 GMT+7

Cứ tháng 9, 10, khách du lịch khắp nơi rầm rập lên Hà Giang xem lúa chín vàng ruộng bậc thang, ngắm hoa tam giác mạch ngập tràn các lưng núi. Sau Tết âm lịch, lại ào ào du khách tìm đến, ngơ ngẩn với hoa đào phớt hồng, vỡ òa thích chí cùng hoa cải vàng rực bản làng...


Lớp học tạm bợ ở bản Ngài Thầu - Ảnh: Mai Thanh Hải 

Mình lên xã Thàng Tín (huyện Hoàng Su Phì), trước khi đi, đại tá Hoàng Đình Xuất, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang, lắc đầu: “Để gọi điện lên đồn, xem tình hình đường xá thế nào hẵng!”, và dặn: “Nhớ mang đủ mì tôm, lương khô, nước uống phòng khi sạt lở đường”. Cứ nghĩ sự chu đáo của người lính già từng kinh qua mọi nhiệm vụ ở cả 12 đồn thuộc lực lượng BĐBP tỉnh Hà Giang, từ những ngày đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tháng 2.1979, cho đến dằng dặc 10 năm giằng co giữ đất và quyết liệt - khôn khéo trong công tác phân định biên giới, là quá lo xa, nhưng quả thực, con đường từ TP.Hà Giang lên địa đầu Lũng Cú chả là gì so với đường lên Thàng Tín.

Quãng đường 140 km từ TP.Hà Giang, gian nan bắt đầu từ thị tứ Tân Quang (huyện Bắc Quang). Đang lò dò chui trong mây, cậu lái xe bỗng khuỳnh tay vần vô lăng sang phải đánh “huỵch”, khiến thùng sau xe Uoat bạt của Biên phòng tỉnh va “uỳnh” vào bờ đá, đứng khựng và tiếng nói, giờ mới cất lên sau gần 2 tiếng đồng hồ im lặng, miệng mắt dán chặt vào mặt đường: “May mà nó còn bật đèn chiếu xa!”. Ngay sau vách đá trước mặt, lừ lừ hiện ra 1 chiếc xe IFA chất bao ngô lên tận nóc, xả khói đen mù mịt, máy rú lên như cháy nhà, ậm ạch bò ra giữa đường. “Có muốn đi đúng luật cũng chẳng được, vì mặt đường bé tí, lại trơn nhẫy sương mù thế kia!” - Tuấn, cán bộ biên phòng tỉnh thở dài và lắc đầu: “Đặc sản của Hoàng Su Phì là cua, nhưng loại cua này đã không ăn được, lại còn lao xuống vực, chết như chơi!”.

Cũng lạ cho cái đất Hà Giang, đã khó khăn thì chớ, lại còn gian nan đến cùng cực, ngay cả đường đi lối về. Ở cánh phía tây, 2 huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì cũng bao năm canh giữ biên giới giáp với Trung Quốc, nhưng ngược lại, hiếm khi có khách du lịch tìm đến, chẳng phải do không có cột cờ, hoa đào, hoa cải, tam giác mạch mà cũng một phần là do đường cụt đi lại xa xôi, sạt lở - tắc đường như cơm bữa. Ngày nắng, đường từ thị tứ Tân Quang lên chỉ 80 km, nhưng đi từ sáng đến chiều như đánh vật. Ngày mưa, đường  sá biến thành khối nhão nhoét và bất cứ vách taluy nào cũng có thể sạt lở. Cứ mỗi năm vào mùa mưa, báo tỉnh liên tục đăng tin bài về sạt lở đường, nhà cửa bị vùi lấp, người chết không thể bới cả quả núi tìm thi thể...

 

Đến nhà vệ sinh cũng không có, cô trò toàn phải... đi liều xuống lưng nhà dân phía trước, xong lại xách xô xuống nhà dân xin nước dội hoặc lấy xẻng xúc đất đổ lên, cho đỡ nặng mùi và đỡ bị dân trách móc!

Cô giáo Huyền

Muốn học, cũng không được

Đồn Biên phòng 211 - Thàng Tín nằm lưng chừng vách núi cao, quản lý 3 xã Thàng Tín, Pố Lồ, Thèn Chu Phìn của huyện Hoàng Su Phì, với gần 21 km đường biên và 9 cột mốc biên giới. Trung tá Định, Đồn trưởng Thàng Tín nguyên là Đồn phó quân sự Lũng Cú, khẳng định: “Thàng Tín là đồn khó khăn nhất trong toàn bộ 12 đồn biên phòng của Hà Giang. Bộ đội thì quen gian khổ rồi, chỉ thương giáo viên - học sinh”, rồi rủ: “Lên bản làm vận động cùng anh em đi?”.

Từ đồn lên đến điểm Trường mầm non bản Ngài Thầu, phải vượt qua dốc, men theo sườn núi và xuyên nhờ qua ngõ - sân của cả chục nhà dân trong bản, mới tới nơi. Đầu giờ chiều tới lớp học duy nhất của bản, thấy ngôi nhà trình tường đất cũ kỹ, nứt nẻ và tối om om với chỉ có 1 cửa ra vào, 1 cửa sổ, vắng hơn cả chùa Bà Đanh.

Đứng đến 20 phút, mới thấy một cô gái trẻ lật đật tay bế, lưng cõng, tay dắt mấy đứa lít nhít sấp ngửa chạy lên. Em tên Huyền, giáo viên mầm non trông coi, dạy dỗ gần 30 trẻ trong bản. Mình ngạc nhiên: "Học sinh đâu hết rồi?", cô giáo lí nhí: "Về hết từ trưa ạ!". Mình khó hiểu: "Chương trình làm gì có chuyện cho học sinh học nửa ngày?".

Ngân ngấn nước mắt kể, nghe em nói xong mới thấy mình trách nhầm:

Bản Ngài Thầu toàn đồng bào Mông, cách trung tâm xã 4 km. Không trường không lớp nên bọn trẻ, có may mắn theo hết bậc học... mầm non, cũng phải cuốc bộ ra xã học tiểu học. Lớp học là ngôi nhà dân cho mượn, được xây dựng từ lâu, cũ kỹ theo tập quán người Mông, chút ánh sáng duy nhất nhìn rõ mặt người là 2 khuôn cửa chính - cửa sổ và chỉ hơi lờ mờ, lúc... gần trưa, dịp mùa hè khi nắng chang chang khắp nơi, làm chỗ học cho 15 đứa lít nhít, ghép từ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 3, 4, 5 tuổi.

Điện thắp sáng ư, cho dù là điện nước vàng ệch? Giấc mơ quá xa vời từ bao năm nay, bởi đến cả bản cũng chả có, nữa là lớp học. Đèn - nến ư? Tiền đâu mà mua và mua đâu, khi thủ phủ Hà Giang cách nửa ngày đường đi xe máy và thị trấn huyện, tuy nhìn thấy ngay dưới chân núi, nhưng lên xuống cũng mất gần nửa ngày.

Cô giáo Huyền nghẹn ngào nói: “Em cũng muốn học sinh ăn học đàng hoàng, để đỡ bị khiển trách lắm chứ? Nhưng anh nhìn xem, duy nhất mỗi cái nhà làm phòng học. Học sinh sáng đến lớp, trưa về ăn cơm và ngủ luôn tại nhà. Muốn ăn tại lớp, cũng đâu có bếp. Muốn ngủ tại lớp, mỗi nền đất, không có nổi cái bàn, manh chiếu, tấm chăn như những điểm khác?”. Rồi Huyền tức tưởi: “Đến nhà vệ sinh cũng không có, cô trò toàn phải... đi liều xuống lưng nhà dân phía trước, xong lại xách xô xuống nhà dân xin nước dội hoặc lấy xẻng xúc đất đổ lên, cho đỡ nặng mùi và đỡ bị dân trách móc!”...

Ước mơ... nhà vệ sinh

Cô u Thị Vị, Hiệu trưởng Trường mầm non Thàng Tín, cho biết: Năm học 2013 - 2014, có 172 học sinh học tại 11 nhóm lớp, ở trường chính và 5 điểm trường với 99% người  Mông, Tày, Nùng, Hán, La Chí.


Chị 8 tuổi trông em 3 tuổi vừa học vừa chăn trâu 

 

Mình lè lưỡi: Lớp học chừng chục đứa, nhưng 3 - 4 dân tộc khác nhau, đồng nghĩa với việc cô phải biết 3 - 4 thứ tiếng của chúng, tuy rằng bập bõm, để hướng chúng vào thứ tiếng thứ 5: tiếng phổ thông.

Lên bản Ngài Trồ, thăm lớp học của 51 học sinh ghép nhà trẻ - mẫu giáo, bi bô 4 thứ tiếng (Tày, Nùng, La Chí, Hán). Khoảng cách từ xã đến điểm trường 5 km, đường có nhiều khe - dốc, mùa mưa sạt lở học sinh lẫm chẫm dắt nhau đi học, đến lớp có khi lấm lem như ma bùn. Cứ cuối tuần, các cô giáo lại đi bộ ra điểm chính mua thực phẩm ăn cả tuần, dịp mưa lũ tắc đường, chuyện phải ở lại ăn cơm với muối trắng là rất bình thường.

Ngồi nói chuyện về giáo dục vùng cao, Phó chủ tịch UBND xã Thàng Tín, Bùi Tuyên Hùng nhẩn nha: “Trên này khổ quen rồi nên chẳng dám đề xuất gì, chỉ dám xin mấy cái nhà vệ sinh!” và lý giải: “Hà Nội xây mỗi cái nhà vệ sinh mà chi những 1 tỉ đồng, số tiền ấy chúng tôi làm được cả nghìn cái!”.

Chợt nhớ câu chuyện của trung tá Định, Đồn trưởng, kể: “May nhờ mấy nhóm chuyên đi du lịch và báo chí, nên 2 năm nay, người ta cũng biết đến xã Thàng Tín rất nhiều ruộng bậc thang và đẹp vào mùa lúa chín tháng 9-10, nên thi thoảng cũng có người dưới xuôi lên thăm xã!” và thở dài: Mỗi năm, cả vùng Thàng Tín mới làm được 1 vụ lúa vào dịp tháng 9-10, cũng bởi vì thời tiết quá khắc nghiệt. Cái đẹp của vụ mùa duy nhất, không chỉ kết tinh từ những tảo tần - nhẫn nhịn - chấp nhận của những người dân nơi địa đầu Tổ quốc, mà còn chắt lại, mặn đắng trong những cảnh người đói khổ, thiếu thốn đến nao lòng...

Bao năm nay, ở Thàng Tín, không chỉ có lúa vàng... 

Mai Thanh Hải

>> Hai ngày mưa lũ, Hà Giang thiệt hại 16 tỉ đồng
>> Lốc xoáy và mưa đá tại Hà Giang, Cao Bằng
>> Mưa đá tại Hà Giang
>> Trao học bổng trao cho học sinh nghèo vượt khó
>> Tặng quà cho học sinh nghèo đỗ đại học
>> Hơn 1,8 tỉ đồng giúp học sinh nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.