Giảng viên đi làm nhân viên siêu thị, bảo trì máy

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/10/2018 09:26 GMT+7

Sau những ngày đứng lớp truyền đạt kiến thức cho sinh viên, giảng viên trường nghề lại tiếp tục xuống các doanh nghiệp (DN) thực tập hoặc làm việc như một nhân viên thực sự để có kinh nghiệm thực tiễn đưa vào nội dung bài giảng.

Mặc dù đã có nhiều năm giảng dạy nhưng Lê Thị Thanh Nhàn, giáo viên (GV) nghề quản lý siêu thị của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM), vẫn tiếp tục “đi học” bằng cách xin làm việc tại một siêu thị trong thời gian nghỉ hè. Nhàn cũng đi sớm về khuya như một nhân viên thực sự, với những công việc như trưng bày, bảo quản hàng hóa.
“Nhờ đi làm, tôi học được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nghề mới mẻ và đổi thay hằng ngày. Từ đó, trở về kết hợp với lý thuyết trong giáo trình để giúp sinh viên có những tình huống thực tế sinh động hơn”, Nhàn chia sẻ. “Nếu GV chỉ dựa vào lý thuyết để giảng bài mà không giỏi nghề, không có trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn thì người học sẽ khó có thể hình dung được công việc thực tế để làm việc được ngay”, Nhàn nhận định.

Trong khi đó, Đỗ Phú Hoàng, GV nghề điện tử Trường CĐ nghề TP.HCM, một tháng có ít nhất 1 - 2 lần đi làm nhân viên bảo trì thiết bị điện tử tại một DN tư nhân để lấy kinh nghiệm thực tiễn. Tùy theo từng môn mà Hoàng đi làm việc theo một số chuyên đề như bảo trì hệ thống điện tử, máy tính, máy in…
Hoàng cho hay: “Dạy nghề là cầm tay chỉ việc. GV phải có kinh nghiệm thực tế đưa vào bài lý thuyết lẫn thực hành mới giúp sinh viên nắm bắt, cập nhật được những kiến thức, kỹ năng mới. Có những cái diễn ra trong thực tiễn hoàn toàn khác với lý thuyết. Mỗi lần đi làm công việc bảo trì như vậy, tôi lại học được nhiều điều để về dạy lại cho sinh viên”.
Chia sẻ về việc này, tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết: “Theo quy định mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, GV trường CĐ, trung cấp phải có thời gian đi thực tập, làm việc tại DN. Tại Trường CĐ Công thương TP.HCM, GV khối ngành kỹ thuật đi làm việc để lấy kinh nghiệm rất nhiều. Trong học kỳ hè, GV đi thực tế tại DN do các khoa, bộ môn tự liên hệ và lên kế hoạch.”.
Thông tư của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp yêu cầu GV phải thực tập tại DN hoặc cơ quan chuyên môn 4 tuần trong một năm đối với trình độ CĐ, trung cấp và 2 tuần trong một năm đối với trình độ sơ cấp. “Thực tập tại DN hoặc cơ quan chuyên môn đối với nhà giáo là loại hình bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, công nghệ, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, thông tư nêu rõ.
Theo tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng phụ trách, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng: “100% GV của trường đều phải gắn với DN. Mỗi tháng thầy cô về DN một lần tham gia quá trình cải tiến quy trình, máy móc. Đó là những tiêu chí mà giáo viên ngành kỹ thuật phải có để nâng cao chất lượng đào tạo”.
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, tiến sĩ Phạm Văn Tài, Trưởng khoa Thương mại quốc tế, cũng thông tin: “Khoa có chương trình cho GV về các công ty khoảng một tháng trong dịp hè để cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nhất. Sau khi đi thực tế, mỗi GV phải có văn bản báo cáo cho khoa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.