Giảng viên trẻ với thiết bị định vị tàu cá đa năng

Lê Thanh
Lê Thanh
29/03/2021 08:27 GMT+7

'So với thiết bị định vị tàu cá thông thường, thiết bị này tiêu tốn ít điện. Nhờ sử dụng công nghệ vệ tinh nên độ phủ sóng toàn cầu, tín hiệu truyền từ tàu về bờ ổn định, chính xác...', anh Trần Thái Sơn giải thích.

Thạc sĩ chuyên ngành cơ điện tử Trần Thái Sơn (35 tuổi), ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có nhiều sáng chế được ứng dụng rộng rãi giúp ích cho ngư dân và chiến sĩ hải quân.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm 2013, Sơn trở thành giảng viên Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài công tác giảng dạy, Sơn còn phụ trách thêm mảng nghiên cứu phát triển của trường.
“Tôi luôn mong ước giúp các chiến sĩ nhà giàn DK1 và hải quân cũng như ngư dân nâng cao đời sống, có nguồn nước sạch để đảm bảo sức khỏe trong suốt chuyến đi biển dài ngày. Đó là lý do khiến tôi mạnh dạn đề xuất và làm chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp quốc gia Chế tạo thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá”, Sơn nói.
Sau một năm, anh Sơn đã triển khai thành công đề tài ứng dụng công nghệ mới trong chế tạo thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt. Công trình này cũng đoạt giải ba trong cuộc thi khoa học công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2015.
Để lan tỏa những kết quả ban đầu đã đạt được, anh Sơn cùng các cộng sự đã quyết định thành lập doanh nghiệp với Công ty TNHH Hợp lực và Phát triển, một phần vốn hỗ trợ từ Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhóm của Sơn đã từng cùng đồng hành với bà con miền Tây chống xâm nhập mặn hay phối hợp với T.Ư Đoàn chế tạo hơn 20 điểm cấp nước cho 6 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau. Công suất máy đạt 6.000 lít/ngày giúp bà con phần nào vượt qua khó khăn về nguồn nước.
Theo thạc sĩ Trần Thái Sơn, ngay ngày đầu khởi nghiệp đã đặt ra sứ mệnh là phải luôn hướng đến cộng đồng và dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực của mình. Một trong những thành quả của việc quyết tâm đầu tư lâu dài, đó là công trình xử lý nước thải cho ngành chế biến thủy sản sử dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nguồn nước sau xử lý vào sản xuất. Chính công trình này sau khi được hoàn thiện và áp dụng năm 2020 mở ra một trang mới trong lĩnh vực xử lý nước thải cho ngành thủy sản và giúp ngành này hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Bên cạnh sáng chế ra những mô hình mang nhiều giá trị cao, trăn trở lớn nhất cũng là tâm huyết của Sơn chính là ngành biển Việt Nam . Anh cho biết đã tham gia làm giám đốc dự án triển khai thiết bị vệ tinh trên tàu cá giúp việc giám sát tàu theo Nghị định 26 của Chính phủ để giải quyết vấn đề thẻ vàng của châu Âu.
“So với thiết bị định vị tàu cá thông thường, thiết bị này tiêu tốn ít điện năng. Nhờ sử dụng công nghệ vệ tinh nên độ phủ sóng toàn cầu, tín hiệu truyền từ tàu về bờ ổn định, chính xác. Vì vậy, vị trí và hành trình của tàu cá được theo dõi trực tiếp trong suốt chuyến đi biển, ngư dân có thể gửi tin nhắn, liên lạc về đất liền. Thiết bị cũng cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết, dự báo mưa bão cho ngư dân. Không chỉ cơ quan quản lý, mà người thân ở nhà cũng có thể theo dõi hành trình tàu cá thông qua ứng dụng, ngư dân yên tâm đánh bắt ngoài khơi…”, Trần Thái Sơn giải thích.
Sau một năm triển khai, đã có gần 7.000 tàu đã lắp đặt thiết bị, giúp doanh thu từ dự án hơn 100 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.