Bởi lẽ cho đến nay, EU và một vài thành viên đã công bố chiến lược đối với châu Phi, nhưng các thành viên này đều thuộc diện có ảnh hưởng trong liên minh và châu Phi không thuộc diện được Đan Mạch ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Đan Mạch đã đột ngột tỏ ý với châu Phi, nhìn nhận châu Phi là "châu lục của thế kỷ 21", coi các nước châu Phi là "đối tác bình đẳng", và tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác song phương cũng như đa phương với các nước châu Phi trên những lĩnh vực được các nước châu Phi quan tâm đến nhiều nhất và coi trọng nhất. Tất cả những quan điểm chính sách và nội dung này trong chiến lược của Đan Mạch đối với châu Phi đều nhằm tranh thủ các quốc gia ở lục địa đen. Phương thức được vận dụng ở đây là tạo cảm nhận Đan Mạch vì các nước châu Phi trước hết.
Trong thực chất, chính phủ Đan Mạch theo đuổi hai mục tiêu chính với việc công bố chiến lược này. Thứ nhất là "chen chân" vào châu Phi trong bối cảnh tình hình châu lục chuyển biến rất sôi động và sâu rộng về mọi phương diện, các nước lớn ganh đua ảnh hưởng, vai trò và cọ xát lợi ích chiến lược rất quyết liệt ở châu lục này. Mỹ, Anh cũng như những thành viên "máu mặt" ở EU như Pháp, Đức tiếp tục thất thế rõ rệt ở châu Phi. Nhiều cơ hội được mở ra cho các đối tác bên ngoài khác tiếp cận, chinh phục và khai thác mọi tiềm năng ở châu Phi.
Thứ hai, dùng thúc đẩy quan hệ với châu Phi dưới khẩu hiệu đối phó Nga và Trung Quốc sẽ giúp Đan Mạch nâng cao vị thế, vai trò trong EU và NATO nói chung, và trong các mối quan hệ của EU và NATO với Nga và Trung Quốc nói riêng. Vừa giành phần nơi xa, vừa tăng thế chốn gần chính là đấy.
Bình luận (0)