Vác bao tải tiền đi mua đất?
Chị B.N (TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể giữa tháng 3, chị mua một mảnh đất ở Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) trị giá 1,2 tỉ đồng. Tới ngày công chứng, chủ đất yêu cầu trả tiền mặt chứ nhất định không chịu nhận tiền qua chuyển khoản. “Tôi với cô tới Ngân hàng Sacombank ở đây, cô đưa tiền mặt cho tôi, tôi gửi tiết kiệm luôn. Tôi chỉ có tài khoản ở Vietcombank nhưng ở đây không có Ngân hàng Vietcombank, cứ giao tôi tiền mặt”, bà chủ đất kiên quyết. Các cò đất ở khu vực này cho biết chủ đất chủ yếu là người địa phương nên toàn yêu cầu tiền mặt. Thế nên hình ảnh người mua đất “vác bao tải tiền” đi giao dịch là chuyện bình thường.
Hay nổi đình nổi đám hiện nay là các thương vụ mua bán lan đột biến (VAR) tiền tỉ. Các clip giao dịch lan VAR với hàng chục cọc tiền mặt để trên bàn đã gây không ít sự chú ý của người xem. Dù là giao dịch tiền tỉ nhưng phía cơ quan thuế không thể thu được khi các đối tượng mua bán không thừa nhận giao dịch và theo các chuyên gia, rất khó để thu thuế nếu vẫn thanh toán tiền mặt như thế này.
Chị Lê Lan (hiện sinh sống tại Úc) cho biết theo quy định của nước sở tại, người nào giao dịch tiền mặt từ 10.000 đô la sẽ vào diện theo dõi. Đối với những trường hợp rút tiền trên 10.000 đô la, ngân hàng sẽ thông báo lên hệ thống theo dõi phòng chống rửa tiền của chính phủ. Hơn nữa, những người bán hàng có nhận tiền mặt trên 10.000 đô la cũng không dám bởi phải chứng minh nguồn gốc của tiền. Còn nếu nhận tiền mặt để trốn thuế sẽ bị phạt tiền và tù rất nặng.
Theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố, những giao dịch có giá trị lớn là giao dịch nộp hoặc rút tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức 300 triệu đồng được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày sẽ phải báo cáo giao dịch đáng ngờ. Thực tế, từ năm 2013 đến 30.9.2020, Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) của Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ, nhiều hơn 6 lần so với giai đoạn 2006 - 2012. Trước khi có luật PCRT, các giao dịch đáng ngờ chủ yếu do các ngân hàng báo cáo nhưng từ sau năm 2012, khi luật PCRT và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Cục bắt đầu nhận được báo cáo từ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và các lĩnh vực khác.
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở dữ liệu của Cục PCRT tiếp nhận khoảng 280.000 giao dịch. Tính đến 31.12.2019, hệ thống đang lưu giữ khoảng 425 triệu giao dịch, liên quan đến khoảng 13,4 triệu khách hàng. Cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nói riêng và phòng, chống tội phạm nói chung. Ngoài ra, Cục PCRT đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến khoảng 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, 15 vụ việc liên quan đến thuế, hải quan và cơ quan chức năng đã truy thu hơn 400 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Những con số này cho thấy giao dịch tiền mặt vẫn còn rất nhiều.
Cần có hạn mức giao dịch tiền mặt
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm nguồn vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận xét gần như 80% giao dịch trong cuộc sống hằng ngày đều phải sử dụng tiền mặt thanh toán. Một số cửa hàng không chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, điều đó cũng nhằm tránh để lại “vết” mà bị truy thu thuế. Dù các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng phát triển nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt. Thị trường vẫn xuất hiện những giao dịch tiền mặt lớn mà không có sự kiểm tra, giám sát hay xử lý nào từ cơ quan chức năng. Quy định giao dịch có trị giá từ 300 triệu đồng vào diện đáng ngờ và theo dõi nên những ngành nghề, lĩnh vực bắt buộc khai báo như bất động sản, vàng bạc đá quý thì mới yêu cầu khách hàng ghi nhận lại thông tin. Còn như trường hợp lan VAR lên đến 250 tỉ đồng thời gian qua mà chỉ giao dịch tiền mặt thì không biết lượng tiền nhiều như thế nào.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay ở Mỹ không có bắt buộc các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, kể cả mua nhà hàng trăm ngàn USD bằng tiền mặt cũng được. Tuy nhiên khi dùng tiền mặt thanh toán trên 10.000 USD sẽ phải khai báo cho cơ quan chức năng về nguồn gốc tiền ở đâu ra. Người nhận số tiền mặt này mà không khai báo thì sẽ bị phạt rất nặng. Còn ở Việt Nam, một người mang hàng tỉ đồng vào ngân hàng mà không phải khai báo nguồn gốc tiền. “Việt Nam còn sử dụng tiền mặt phổ biến nên có thể xem xét giới hạn ở một số lĩnh vực phải thực hiện chuyển khoản. Khi nhận tiền mặt phải khai báo nguồn tiền và thực hiện đóng thuế khi có giao dịch thanh toán. Để thuận tiện cho việc khai báo, không những ngân hàng là đối tượng thực hiện mà cả người dân nhận tiền từ 300 triệu đồng trở lên phải khai báo, Cục PCRT cần có chỗ để người dân khai báo khi nhận tiền mặt”, ông Hiếu đề xuất.
Còn theo ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, hiện nay các doanh nghiệp thanh toán trên 20 triệu đồng phải qua hình thức chuyển khoản, nếu không sẽ không được đưa vào chi phí. Các DN góp vốn với nhau cũng phải thực hiện chuyển khoản. Thế nhưng đối với cá nhân thì lại không quy định bắt buộc chuyển khoản qua ngân hàng. Trước đây do các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế thì có thể là nguyên nhân làm việc thanh toán qua ngân hàng bị hạn chế, còn nay chỉ cần bấm điện thoại là lệnh thanh toán đã được chuyển đi, rất nhanh và tiện lợi. Chính vì vậy, cần có quy định đưa ra mức giao dịch tiền mặt bao nhiêu sẽ phải thông qua chuyển khoản ngân hàng để vừa đảm bảo an toàn, vừa chống thất thu thuế cho nhà nước.
Trước đây, Cục PCRT chỉ tiếp nhận báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế và không quy định ngưỡng phải báo cáo. Theo quy định tại Thông tư 35/2013/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), Cục PCRT đang tiếp nhận báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế vượt ngưỡng 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
|
Bình luận (0)