Giao dịch ở Việt Nam, tiền chảy về Trung Quốc: Xử nghiêm để bịt lỗ hổng

04/07/2018 08:03 GMT+7

Nhiều ý kiến đang bày tỏ lo ngại nếu như Alipay hay WeChat Pay tự động được sử dụng rộng rãi ở VN thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhà nước thất thu thuế, hệ thống ngân hàng, các công ty thanh toán trong nước bị mất hết thị phần và có nguy cơ phá sản. Thậm chí ngay cả các dịch vụ thương mại, bán hàng điện tử… cũng đều lọt vào tay nước ngoài.
Bởi đứng sau Alipay và WeChat Pay là tập đoàn Alibaba và Tencent đều đang đẩy mạnh việc cung cấp cho người dùng các dịch vụ khép kín gồm thương mại điện tử, thanh toán di động và cả mạng xã hội không chỉ ở Trung Quốc mà vươn ra cả Đông Nam Á, trong đó có VN.
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng không những chuyển ngân lậu mà hình thức này còn trốn thuế tại VN. Khi chưa được pháp luật cho phép mà những điểm bán hàng sử dụng những mã QR của nước ngoài trong thanh toán là đã vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần lập đoàn kiểm tra để thực hiện rút giấy phép kinh doanh. Do đây là hình thức sử dụng công nghệ trong thanh toán nên khá phức tạp nhưng cơ quan chức năng có thể phối hợp để giám sát được những hình thức chuyển ngân lậu này. Cơ quan chức năng có thể tra soát những giao dịch này ở những khu vực mà người nước ngoài thường xuất hiện như Quảng Ninh, Đà Nẵng…
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận xét dường như hành lang pháp lý của VN chưa đủ quản lý hoạt động thanh toán điện tử đang bùng nổ. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo xu hướng di động sẽ ngày càng tăng cao trong nền kinh tế. Nhưng không bịt các lỗ hổng này sẽ khiến nguy cơ chảy ngân lậu gia tăng. Không chỉ nhà nước thất thu thuế từ các giao dịch chi tiêu trong nội địa mà chính sách tiền tệ cũng bị ảnh hưởng nặng. Do đó vấn đề đặt ra là kiểm tra và kiểm soát các hoạt động giao dịch thanh toán như thế nào để vẫn phát triển nhưng hạn chế được các thanh toán lậu. Cần phải có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa ngân hàng nhà nước và cả các cơ quan liên quan để chặn các giao dịch “chui” tương tự cũng như các thanh toán sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ VN. Trước hết là cần phải vào cuộc điều tra những địa điểm có chấp nhận thanh toán ví điện tử “chui” và xử phạt nặng. Sau đó cần bổ sung chính sách phù hợp vì VN không thể cấm đoán xu hướng này mà phải tích cực phối hợp để phát huy điểm tích cực của nó.
Còn theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, làn sóng thanh toán bằng mã QR trên điện thoại đã lan rộng khi ngày càng có nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Quan trọng nhất là vấn đề kiểm tra giám sát hoạt động thanh toán của ngân hàng nhà nước. Từ đó mới có thể hạn chế được các điểm bán hàng thanh toán “chui”. Hơn nữa, việc thanh toán di động này sẽ ngày càng lan rộng không chỉ ở VN mà khắp thế giới nên cần các dịch vụ để cung cấp cho người dùng trong và ngoài nước. Vì vậy bản thân hệ thống tài chính ngân hàng hay các công ty thanh toán trung gian cũng cần phải đầy mạnh hợp tác với nhau lẫn hợp tác quốc tế để cung cấp dịch vụ chính thống. Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn giao dịch, tạo niềm tin và thu hút người sử dụng nhiều hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.