Giáo dục đòn roi

09/10/2016 13:39 GMT+7

Cháu Tạ Văn Long 13 tuổi ở Thái Nguyên bị bố đẻ đánh bầm dập phải nhập viện. Trước đó, bé gái 14 tuổi ở Bắc Giang cũng bị chính bố đẻ đánh đến thâm tím toàn thân, đưa đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn.

Những nạn nhân trên đều là sản phẩm của cách giáo dục bằng đòn roi trong gia đình. Chúng tôi đều là những người đưa tin về những vụ việc trên, và lạnh sống lưng vì nghe cách lý giải của những ông bố cầm roi, cán chổi, thanh gỗ, thanh tre đánh con: “Tôi muốn dạy con, nó hư”. Nhiều phụ huynh khi đọc những tin tức trên báo chí, nhìn những tấm ảnh các con thâm tím người, hai bên mông bầm dập, viết bình luận: “Đánh như thế không chết, chỉ là sau này nó hư thì mới chết”. Nghe cũng lạnh sống lưng không kém.
Hôm qua, 8.10, chúng tôi trò chuyện với TS tâm lý Nguyễn Văn Đồng, nguyên giảng viên tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông nghe chuyện, rồi thủng thỉnh kể lại một câu chuyện khác. Một nữ đồng nghiệp của ông lấy chồng, một TS nghiêm khắc, rất hay quát tháo, mắng mỏ và không ngại đánh con, như một cách uốn nắn đứa con trai đầu lòng của ông nên người. Rồi cậu nhóc kia có em gái, cậu có sở thích trêu chọc, sau này là đánh em.
Một hai lần, gia đình tưởng cậu bé hiếu động, nhưng càng ngày biểu hiện của cậu bé càng lạ. Người lớn không để ý, cậu bé có thể ra tay đánh em gái với những đòn rất đau và nguy hiểm. Bà mẹ hoảng sợ đưa con đi khám vì nghi con bị tự kỷ. Cho đến khi gặp TS Đồng, ông phân tích và tìm ra nguyên nhân, chính là từ bố đứa trẻ. Ông đã gieo cho con trai tâm lý ức chế vì bị đánh thường xuyên.
“Đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường gia đình. Những đứa trẻ được giáo dục bằng roi vọt, chửi mắng, bạo lực sẽ hình thành trong đầu những tư tưởng chống đối, dần dần sẽ trở thành những hành động bạo lực, có thể tàn nhẫn”, TS Đồng phân tích.
Dân gian có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, tuy nhiên theo TS tâm lý Nguyễn Văn Đồng, câu này đã xưa rồi, bây giờ xã hội đã rất phức tạp, nếu các con không được giáo dục bằng yêu thương, mềm mỏng, ắt sẽ có hậu họa.
Cháu gái T. 14 tuổi ở Bắc Giang bị bố đẻ đánh đến nhập viện cấp cứu hồi tháng 5.2016
Tôi thì không nghĩ rằng mọi đứa trẻ lớn lên thành đứa con ngoan và trưởng thành không từng bị bố mẹ cho ăn vài cái roi, hoặc chí ít là cái bạt tai vì ương bướng và hỗn hào.
Mấy hôm vừa rồi, chúng ta đều đau lòng khi biết tin cháu Huy ở Yên Bái thắt cổ tự tử vì bị phụ huynh bạn khác đánh hội đồng trước cổng trường, bị bắt quỳ gối xin lỗi trước mặt các bạn và clip của cháu bị tung lên mạng. Cháu bé trong lúc hoảng loạn và xấu hổ, đã bế tắc, tuyệt vọng và tìm đến cái chết.
Ai dám khẳng định rằng, thanh niên đánh cháu Huy (cần phải nhấn mạnh rằng kẻ đánh cháu Huy bằng tuýp sắt là một thanh niên lớn hơn cháu nhiều tuổi, nhiều cái đầu) từng không phải nạn nhân của bạo lực gia đình? Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, một kẻ mạnh, đánh và làm nhục kẻ yếu thế hơn mình như thế có vấn đề về tâm lý và đạo đức. Hành vi làm đau và làm nhục trẻ em càng trở thành tội ác khi nó được tiếp tay bởi điện thoại thông minh và Facebook. Chúng được phát tán trên mạng, nhân thêm nỗi đau của một em bé vị thành niên khiến em tự tử, để kết thúc mọi thứ.
Đòn roi tàn bạo không phải là yêu thương, đó là tội ác và mầm mống của tội ác, sẽ còn nảy sinh thêm tội ác.
Em bé 5 tuổi trong câu chuyện của TS Đồng kể bây giờ đã là một cậu bé 14 tuổi, cháu rất ngoan, học giỏi, yêu thương em gái. Sau lần suýt bị đi bệnh viện điều trị tự kỷ, bố mẹ cậu đã xem lại cách giáo dục con mình. Riêng ông bố không bao giờ đánh con nữa, thay vào đó là “nói chuyện như những người đàn ông với nhau”.
Sức mạnh của yêu thương thật lớn lao. Sao người ta không yêu thương nhau nhiều hơn, trước khi nghĩ đến làm đau kẻ khác?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.