Giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
04/11/2021 13:51 GMT+7

T.Ư Đoàn vừa tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo đề án “ Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

Ngày 4.11, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030” của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Xuân tùng

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn và anh Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của PGS - TS Nguyễn Viết Thảo, giảng viên cao cấp, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Bùi Thế Đức, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, an ninh - an toàn không gian mạng, chính trị, tư tưởng của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.

80% thanh thiếu niên được tuyên truyền về ứng xử trên mạng xã hội

Ban tổ chức cho biết, dự thảo đề án xác lập mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 và 2026 - 2030. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025 đặt mục tiêu: 100% cán bộ Đoàn, đoàn viên và 80% thanh thiếu niên được tuyên truyền về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; 100% cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng.

Đề án đưa ra mục tiêu ít nhất 80% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng; mỗi xã, phường, thị trấn hằng năm có ít nhất 400 tin tốt, câu chuyện đẹp được chia sẻ trên không gian mạng.

Đặc biệt, đề án đặt mục tiêu 100% Đoàn cấp tỉnh mỗi tuần có ít nhất có 1 bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; 100% Đoàn cấp huyện thiết lập đội hình thanh niên tình nguyện tuyên tuyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có 100% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng; mỗi xã, phường, thị trấn hằng năm có ít nhất 600 tin tốt, câu chuyện đẹp được chia sẻ trên không gian mạng.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại hội thảo

Xuân tùng

100% tổ chức Đoàn cấp tỉnh mỗi tuần có ít nhất 2 bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng;

90% hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội được tổ chức hoặc tương tác trên không gian mạng. Đoàn cấp huyện mỗi năm tổ chức ít nhất 1 hoạt động trên không gian mạng nhằm thu hút đoàn viên thanh nên hưởng ứng, làm theo.

Thành lập tổng đài hỗ trợ ứng cứu thanh thiếu niên trên mạng xã hội

Dự thảo đề án đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, trong đó: kiểm soát, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu nhi; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Theo kế hoạch, sẽ có nhiều sản phẩm cụ thể sau khi thực hiện đề án như: Cẩm nang hướng dẫn thanh thiếu nhi sử dụng mạng xã hội an toàn, tích cực được xây dựng; các sản phẩm văn hoá giải trí được sản xuất và phát hành trên không gian mạng; Bảo tàng trực tuyến “Tự hào tuổi trẻ Việt Nam” được triển khai.

Đại biểu góp ý tại hội thảo

xuân tùng

Sẽ có quy chuẩn về đạo đức, lối sống đối với hệ thống trò chơi trực tuyến; sản xuất và phát hành các trò chơi trực tuyến về lịch sử, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước; thành lập và tổ chức hoạt động bộ phận “Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng” ở cấp T.Ư và cấp tỉnh.

Các đợt học tập, rèn luyện kết hợp chiến dịch truyền thông được triển khai với các sản phẩm truyền thông, chương trình, hoạt động mang “xu hướng trẻ” được hình thành và lan toả trên không gian mạng…

Phát biểu tại hội thảo, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, trong những năm qua, T.Ư Đoàn đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kết luận để triển khai thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn hiện nay, việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó thiếu những giải pháp đồng bộ.

Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và nhu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong tình hình mới, Ban Bí thư T.Ư Đoàn xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

Đề án sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.