Sau 12 năm đi học, vào đời “tay trắng”
Năm học 2021 - 2022, em N.V (20 tuổi) trúng tuyển đại học hệ chính quy
Trường đại học Sân khấu điện ảnh. Nhưng sau khi học khoảng 1 tháng, em N.V được nhà trường gọi lên trả lại hồ sơ, do không có
bằng tốt nghiệp THPT. Đến lúc này, phụ huynh của em N.V mới sửng sốt quay lại trường cũ, Học viện Múa Việt Nam (gọi tắt là trường Múa) nơi con mình vừa học nghề vừa học
văn hóa suốt 7 năm (từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2019 - 2020) để hỏi.
Sau dăm lần bảy lượt đi lại, ông Cường (phụ huynh em N.V) mới được nhà trường trả lời lý do em N.V không có bằng tốt nghiệp THPT. Theo đó, không chỉ em N.V mà các bạn cùng K2 (hệ cao đẳng) ngành diễn viên múa ở trường Múa không có mã định danh nên không được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa vào danh sách dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Điều khiến ông Cường và nhiều phụ huynh khác thấy cay đắng, có cảm giác như mình bị trường Múa lừa, là mặc dù biết các học sinh - sinh viên của mình không được dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng trường này vẫn tự tổ chức cho các em dự một kỳ thi hết lớp 12, khiến các phụ huynh ngộ nhận là con đã thi tốt nghiệp, sau đó cấp cho các em giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình THPT.
Về sau này, các phụ huynh mới biết giấy chứng nhận đó không có giá trị pháp lý. Thậm chí, em N.V và các bạn học cùng khóa còn không có cả bằng tốt nghiệp THCS!
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, một phụ huynh khác, nghẹn ngào: “Bản thân tôi cũng là một
nhà giáo phục vụ trong ngành GD-ĐT 30 năm, nhưng rồi giờ trơ mắt ra nhìn cảnh con trở thành kẻ thất học khi mà vào đời không có một tấm bằng nào lận lưng!”. Được biết, con bà Thủy năm nay 18 tuổi, vào học trường Múa từ năm 2015, theo chương trình đào tạo sẽ tốt nghiệp cao đẳng năm 2022, nhưng vừa rồi bị trường “ép” tốt nghiệp trung cấp năm 2020, trong khi hiện tại, con bà Thủy không có bằng tốt nghiệp THCS lẫn THPT, nên cũng không được nhà trường cấp bằng tốt nghiệp trung cấp múa.
Cơ quan chức năng nói gì?
Phụ huynh Học viện Múa Việt Nam gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để kêu cứu về số phận của con mình, nhưng chưa được trả lời
|
Điều đáng chú ý, không chỉ dăm bảy trường hợp học sinh trường Múa rơi vào tình cảnh cay đắng trên. Theo đơn kêu cứu khẩn thiết của một nhóm phụ huynh trường Múa, hiện có 325 phụ huynh làm giấy ủy quyền để nhờ một nhóm đại diện phụ huynh đi gõ cửa các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề bằng cấp cho các em, đồng nghĩa với việc mở cánh cửa cho phép các em tiếp tục hành trình vào đời.
Theo đơn kêu cứu này, từ khóa tuyển sinh hệ dài hạn (đầu vào là học sinh lớp 6) năm 2013 đến nay của trường Múa, có tổng cộng 325 vừa học nghề múa, vừa học văn hóa bậc THCS và THPT tại trường Múa. Theo mô hình đào tạo từ trước đến nay của trường Múa (một cơ sở đào tạo nghề
nghệ thuật có lịch sử hoạt động 60 năm), sau 6,5 năm học học sinh sẽ có 2 bằng: bằng nghề và
bằng tốt nghiệp THPT hệ
giáo dục thường xuyên.
Nhờ thế, học sinh sau khi ra trường sẽ có quyền tiếp tục học các bậc học cao hơn, hoặc đảm bảo hồ sơ được chuẩn hóa đề đi xin viêc. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, học sinh hệ dài hạn của trường Múa ra trường đành chịu cảnh “trắng tay”, cả bằng nghề lẫn bằng tốt nghiệp THPT đều không được cấp.
Sau khi sự việc bị vỡ lở, phụ huynh trường Múa đã liên tục đề nghị lãnh đạo trường Múa tìm giải pháp cũng như gõ cửa các cơ quan chức nhưng chỉ có Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTB-XH, có văn bản phúc đáp.
Theo trả lời của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trước đây việc tuyển sinh, đào tạo (cả nghề nghiệp và văn hóa) của trường Múa được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Nhưng hiện nay, do thực hiện luật Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho trường Múa trình độ cao đẳng các ngành biên đạo múa, huấn luyện múa; trình độ trung cấp các ngành nghệ thuật biểu diễn kịch múa, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc.
Hiện tại, Bộ VHTT-DL đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục theo quy định, để cho phép một số cơ sở đào tạo, trong đó có trường Múa, được tiếp tục đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù kết hợp đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa trong lĩnh vực
văn hóa nghệ thuật.
Văn phòng Chính phủ thì trả lời là đã chuyển đơn của các phụ huynh tới 3 bộ liên quan, gồm: Bộ VHTT-DL; Bộ LĐTB-XH; Bộ GD-ĐT.
Còn các bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT cho đến nay chưa có bất kỳ câu trả lời nào gửi tới các phụ huynh.
Vì sao sự việc kéo dài?
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Trần Văn Hải, Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam, cho biết Ban giám đốc Học viện Múa Việt Nam đã có tờ trình và kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT làm sao để tháo gỡ những khúc mắc này cho học sinh, phụ huynh một cách thỏa đáng nhất.
Còn ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL, cho biết lãnh đạo Bộ đã giao Vụ Đào tạo tham mưu nội dung đề xuất gửi các bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề. Hiện Vụ Đào tạo đang soạn thảo văn bản, vài ngày tới, khi văn bản được hoàn thiện, Bộ này sẽ chia sẻ với báo chí.
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã họp nhiều cuộc, đã làm việc với Bộ GD-ĐT để tìm cách tháo gỡ. Ông Tuấn nói: “Chúng tôi còn sốt ruột trong việc giải quyết vấn đề này hơn cả phụ huynh học sinh. Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã xuống làm việc với nhà trường, đã chỉ đạo chắc chắn phải tìm ra hướng giải quyết mà ưu tiên đầu tiên là phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.
Chiều 1.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, người được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao phụ trách lĩnh vực giáo dục đại học, xác nhận với báo Thanh Niên, ông đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Tạ Quang Đông về sự việc này. Do Bộ VH-TT-DL xác định chưa đúng bản chất vấn đề, nên buổi làm việc chưa có kết quả.
Thứ trưởng Sơn nói: “Bộ VH-TT-DL muốn cùng Bộ GD-ĐT bàn cách tháo gỡ những khó khăn trong việc tuyển sinh đại học của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Sau khi nghe Bộ VH-TT-DL trình bày, chúng tôi phát hiện vướng mắc nằm ở việc học sinh của họ chưa đủ điều kiện để được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Vì thế, Bộ VH-TT-DL cần phải yêu cầu Học viện Múa Việt Nam báo cáo chi tiết, sau đó 2 Bộ mới có căn cứ để bàn tiếp”.
Thứ trưởng Sơn cho biết thêm: “Nếu vướng ở việc các em không có bằng tốt nghiệp THCS, Vụ Giáo dục trung học sẽ là đơn vị tham mưu giúp lãnh đạo Bộ GD-ĐT tìm hướng giải quyết. Và khi đó, theo phân công của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL cần làm việc với thứ trưởng được giao phụ trách lĩnh vực giáo dục phổ thông”.
Bình luận (0)