Nghiên cứu từ thuốc chữa ung thư đến tâm lý trẻ bán hàng rong...
Trong số này, có 11 dự án đạt giải nhất (21 học sinh), 16 dự án đạt giải nhì, 21 dự án đạt giải ba và 27 dự án đạt giải tư.
Đoàn học sinh Hà Nội thắng lớn với 2 giải nhất, 1 giải nhì trong tổng số 4 dự án tham dự cuộc thi. Học sinh các trường THPT trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng giành tới 3 giải nhất, trong đó, cả 2 dự án Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên dự thi đều giành giải nhất.
Một số tỉnh miền núi, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn nhưng cũng giành giải cao trong cuộc thi năm nay, như: Lào Cai có 2 dự án dự thi thì có 1 giải nhất, 1 giải nhì; Tuyên Quang cả 2 dự án đều giành giải nhì. Tỉnh đặc biệt khó khăn như Lai Châu cũng có cả 2 dự án đoạt giải (1 giải 3 và 1 giải tư),…
Các giải cao thể hiện sự quan tâm khá đa dạng trong nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội của học sinh. Nhiều dự án liên quan đến vấn đề môi trường, sức khoẻ cộng đồng; điều trị bệnh ung thư; những người khuyết tật cần thiết bị hỗ trợ như “Robot hỗ trợ người khuyết tật”,…
Những dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, hành vi cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt khi thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm của học sinh trước những vấn đề của đời sống, xã hội. Đơn cử như dự án nghiên cứu về "Cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hàng rong người dân tộc thiểu số ở Sa Pa" của học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai đã giành giải nhất cuộc thi.
|
Những dự án về lĩnh vực kỹ thuật cơ khí cũng đoạt giải cao (giải nhì) gắn với vấn đề thời sự, được cả xã hội quan tâm là an toàn giao thông cũng gây chú ý, như: “Thiết bị hạn chế tai nạn do nhầm chân phanh, ga trên ô tô dân dụng” của học sinh THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội); “Hệ thống kiểm tra, báo hiệu, ngăn chặn nguy cơ làm mất an toàn giao thông do nồng độ cồn của tài xế và sự thiếu kiểm soát số lượng người trên xe ô tô” của học sinh Trường THPT Thái Hoà (Tuyên Quang),…
Đối với các dự án thuộc lứa tuổi học sinh THCS, Ban Giám khảo cho rằng, tuy còn nhỏ tuổi, nền tảng kiến thức được trang bị chưa bằng các anh chị cấp THPT, nhưng các thí sinh đã sẵn sàng tranh tài với các anh chị bằng sự sáng tạo và năng lực của chính bản thân mình và nhiều em đã thành công.
Mặc dù những đề tài của học sinh THCS giá trị khoa học chưa cao, thường bắt nguồn từ những ý tưởng thực tiễn rất đời thường trong cuộc sống hàng ngày ở các địa phương, nhưng lại có giá trị thực tiễn. Một số ý tưởng khá sáng tạo đã tạo nên sự hấp dẫn của cuộc thi.
Đặc biệt, cuộc thi lần này có sự tham gia của một số em dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã để lại những thiện cảm sâu sắc cho ban giám khảo.
Các dự án được chấm điểm thế nào?
GS - TS Nghiêm Ngọc Minh, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, cho biết ban giám khảo năm nay gồm 55 thành viên là các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín được mời đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trên toàn quốc và có sự tham gia của nhiều thành viên mới.
Điều này bảo đảm tính công bằng, khách quan, sự nghiêm túc và vô tư trong đánh giá, chấm điểm. Kết quả của các dự án được đánh giá thông qua 2 phần chấm điểm: chấm quyển báo cáo tóm tắt kết quả của dự án và chấm phỏng vấn trực tiếp thông qua trình bày các poster.
Từng thành viên trong ban giám khảo đã tiến hành chấm độc lập, làm việc qua nhiều vòng nhằm đánh giá được toàn diện cả năng lực viết báo cáo và khả năng trình bày và trả lời các câu hỏi của học sinh.
|
Mỗi giám khảo độc lập phỏng vấn trực tiếp học sinh một cách cụ thể và cẩn trọng, đặt ra những câu hỏi rõ ràng, khoa học, đặc biệt những giải có điểm số cao được chọn ngẫu nhiên để chấm kiểm tra lại, nhằm đánh giá công tâm, khách quan, chính xác vì sự thành công của cuộc thi.
Đặc biệt, ban giám khảo còn tìm hiểu các ý tưởng mới, tư duy khoa học của học sinh được thể hiện thế nào, khả năng làm khoa học của các em ra sao để có được những kết quả mới, sáng tạo, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
“Chính sự nhiệt tình, tự tin và vô tư của các em đã đem lại nguồn cảm hứng và càng thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm, sự công tâm của người cầm cân, nảy mực trong vai trò thành viên của ban giám khảo” , GS - TS Nghiêm Ngọc Minh chia sẻ.
Phát biểu tại lễ bế mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 - 2020, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu cần đẩy mạnh việc khuyến khích học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, tiếp tục khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho mỗi học sinh; đẩy mạnh đổi mới cách dạy, cách học; thực hiện tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ngay từ chương trình hiện hành, hướng tới phát triển, phẩm chất năng lực cho học sinh…
Ông Độ cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối với các trường đại học, cao đẳng và kết nối với các doanh nghiệp để cùng hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho học sinh; đẩy mạnh thực hiện giáo dục STEM trong các nhà trường.
|
Bình luận (0)