Những 'ngôi sao' sinh viên trưởng thành từ nghiên cứu khoa học

16/06/2020 15:12 GMT+7

Trần Dương Anh Tài, Đào Lê Tâm An là 2 cựu sinh viên tiêu biểu của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định được mình từ khi tham gia nghiên cứu khoa học ở giảng đường. Họ đang là đại sứ tuyển sinh của nhà trường.

 Từ cử nhân lên thẳng tiến sĩ
Trần Dương Anh Tài hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Học viện Khoa học và Kỹ thuật Okinawa (Nhật Bản) là cựu sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2014, Anh Tài đã trúng tuyển vào Khoa Vật lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và bắt đầu viết tiếp ước mơ trở thành giảng viên của mình.
Trong suốt quá trình học tập, Anh Tài đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ: Đại biểu Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên Đông Nam Á - Ấn Độ lần thứ hai năm 2019, giải thưởng sinh viên xuất sắc về khoa học và công nghệ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2018, Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư năm 2018, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018... và nhiều huy chương các cuộc thi Olympic Vật lý...

Trần Dương Anh Tài trong ngày tốt nghiệp

A.T

Có thể nói, tất cả những thành tích đó của Anh Tài đến từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Những tháng ngày gắn kết với phòng thí nghiệm vật lý là khoảng thời gian làm cho Tài có thêm động lực nghiên cứu mạnh mẽ. Anh Tài chia sẻ: "Mình có được thành tích trong quá trình học tập là nhờ nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên có cơ hội tiếp cận với việc nghiên cứu khoa học, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn và áp dụng vào công việc giảng dạy sau này"
Khi tốt nghiệp đại học, Tài được 2 nơi tuyển dụng là một trường chuyên tại TP.HCM và một viện nghiên cứu tuyển làm nghiên cứu viên tập sự, nhưng anh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc để tiếp tục học lên cao.
Cơ duyên cùng ngành tâm lý học

Đào Lê Tâm An, thủ khoa ngành tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) từng là 1 trong 12 sinh viên tiêu biểu trên toàn quốc nhận giải thưởng Kova năm 2019 ở hạng mục Triển vọng trong nghiên cứu khoa học. Trúng tuyển hai trường ĐH là Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cùng với ĐH Sư phạm TP.HCM, Tâm An quyết định chọn ngành gắn bó với cuộc sống của mình là tâm lý học.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tâm An là một cái tên khá “hot” khi mang về không ít giải thưởng: giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ năm 2017, 1 trong 12 sinh viên toàn quốc nhận giải thưởng Kova dành cho cá nhân và nhóm có thành tích nghiên cứu khoa học sáng tạo, Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố, tình nguyện viên năng động... 

Đào Lê Tâm An, cựu sinh viên xuất sắc ngành tâm lý học

T.A

An kể lại một kỷ niệm đẹp khi học tập tại giảng đường đại học. Lúc ấy, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã xây xong khu tự học nên cả nhóm đã ngồi lại sau giờ học để hoàn thành nốt những việc còn dang dở. Mải làm và quên mất thời gian xung quanh, giật mình thì thấy đã 21 giờ, đèn những khu khác đã tắt và chỉ duy nhất khu vực bàn An ngồi là còn mở. An ngước mặt lên thì thấy chú bảo vệ. Chú đứng nhìn cả nhóm rồi nói: “Trễ rồi, chú bật đèn cho mấy đứa làm tiếp mà thấy lâu quá nên phải nhắc. Về đi, mai rồi học tiếp”. Lúc ấy cả nhóm vừa thấy thương, vừa thấy có lỗi với chú.

Theo Đào Lê Tâm An, tập thể nhà trường đều rất yêu thương và tạo điều kiện tối đa cho sinh viên học tập, rèn luyện. Trong quá trình học tại trường, Tâm An được một thầy giáo hướng dẫn, dìu dắt tận tình mà anh hay gọi là “big teacher”.

Tâm An cho biết vào ngày đầu tiên bước vào giảng đường, trong buổi lễ đón tân sinh viên, chính câu nói “Chọn nghề tâm lý mà chỉ biết đến hào quang của nghề thì các em đã chọn lầm” của "big teacher" đã trở thành kim chỉ nam của cậu trong suốt 4 năm ĐH và cả khi làm nghề.

Tâm An chia sẻ với những bạn học sinh đang có ước mơ theo đuổi ngành tâm lý học: Ngành tâm lý học tại Việt Nam gần như sẽ 'chẳng bao giờ già' vì kể cả khi bị ảnh hưởng bởi cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu được giải bày cảm xúc, suy nghĩ và chăm sóc tinh thần của con người sẽ ngày một cao hơn. Vì thế các bạn hãy vững tin vào con đường mình sẽ chọn”.

Hoàn thành xong sĩ quan dự bị như là một mục tiêu thử thách của Tâm An và chàng trai sinh năm 1997 này sẽ bắt đầu hành trang học nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tâm lý học...  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.