Bằng đại học Việt Nam sẽ được thế giới công nhận?

Quý Hiên
Quý Hiên
12/06/2020 07:03 GMT+7

Ngày 11.6, Bộ GD-ĐT họp với 5 bộ liên quan, thảo luận về kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) cho các trình độ của giáo dục đại học.

Theo Bộ GD-ĐT, đây cũng là căn cứ để bằng cấp của Việt Nam được các nước khác công nhận.
Trong 5 bộ kể trên, 4 bộ được Chính phủ giao tham gia xây dựng và ban hành chuẩn chương trình cho các lĩnh vực và ngành đào tạo giáo dục ĐH (GDĐH) gồm: Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Trong khi đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự toán, giám sát, hướng dẫn việc chi kinh phí thực hiện kế hoạch kể trên.

Tạo được sự hội nhập của GDĐH Việt Nam với thế giới

Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ chủ trì việc xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong GDĐH, nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực.
Mục đích chính của việc triển khai này là tạo được sự hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam với thế giới, làm cơ sở cho việc công nhận và xác định sự tương đương văn bằng của Việt Nam cũng như giữa các quốc gia về giáo dục ĐH
 
Mục đích xây dựng CTĐT là giúp người học biết được họ có thể làm được gì sau khi hoàn thành chương trình; doanh nghiệp có thông tin rõ ràng về các loại nhân lực họ cần sử dụng; cơ sở đào tạo có căn cứ để thiết kế và phát triển CTĐT của mình, trong đó đảm bảo sự gắn kết giữa giảng dạy, học tập và đánh giá, đảm bảo chất lượng trên cơ sở các chuẩn tối thiểu do nhà nước quy định gắn với VQF; cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo sự tương đồng về chuẩn mực đào tạo giữa các CTĐT cùng ngành ở cùng trình độ. Mục đích chính của việc triển khai này là tạo được sự hội nhập của GDĐH Việt Nam với thế giới, làm cơ sở cho việc công nhận và xác định sự tương đương văn bằng của Việt Nam cũng như giữa các quốc gia về GDĐH.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành nhằm nâng cao chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành nhằm nâng cao chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo phân cấp quản lý nhà nước về CTĐT, nhà nước xây dựng khung trình độ quốc gia (Chính phủ đã ban hành VQF năm 2016), Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng chuẩn chương trình và hệ thống đảm bảo chất lượng, cơ sở đào tạo phát triển CTĐT, trong đó có “chuẩn đầu ra” được quy định cho các ngành theo từng lĩnh vực. Các khoa, bộ môn thiết kế học phần, bài giảng, đánh giá dựa trên “chuẩn đầu ra” của CTĐT.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai xây dựng chuẩn CTĐT. Đồng thời, thành lập các hội đồng tư vấn khối ngành để xây dựng chuẩn chương trình. Sau đó, Bộ GD-ĐT thành lập các hội đồng để thẩm định và ban hành các chuẩn CTĐT. Bộ GD-ĐT cũng có nhiệm vụ định hướng cho việc xây dựng và phát triển chương trình tại các trường.
Một việc quan trọng khác, Bộ GD-ĐT sẽ thúc đẩy thực hiện tham chiếu giữa VQF và Khung tham chiếu trình độ của các quốc gia ASEAN (AQRF), làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam so với các nước ASEAN.

Phải có ý kiến của bên sử dụng lao động

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh ý kiến của bên sử dụng lao động sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chuẩn CTĐT. “Sắp tới, xây dựng chuẩn CTĐT ngành toán thì nhờ các giáo sư toán hàng đầu của Việt Nam đóng góp ý kiến, trên cơ sở khảo sát đòi hỏi của bên sử dụng lao động, để xây dựng nội dung môn toán phù hợp với từng CTĐT. Trong ngành quản trị kinh doanh, các trường và các hiệp hội sử dụng lao động thống nhất với nhau yêu cầu kiến thức toán với một cử nhân quản trị kinh doanh”, ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, cách làm trên là theo thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo sự linh hoạt, sáng tạo của các trường trong việc xây dựng CTĐT, đồng thời đảm bảo mặt bằng tối thiểu chung trên toàn quốc, đảm bảo hội nhập với các nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết từ tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn cho khối ngành kế toán kiểm toán, với tính chất “làm hình mẫu” cho các khối ngành khác.

Các bộ chủ trì thành lập hội đồng tư vấn

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chủ trì thành lập hội đồng tư vấn khối ngành sức khỏe. Bộ VH-TT-DL chủ trì khối ngành gồm nghệ thuật, du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ xã hội. Bộ Công an chủ trì thành lập hội đồng tư vấn khối ngành an ninh. Bộ Quốc phòng tư vấn khối ngành quốc phòng. Bộ GD-ĐT chủ trì thành lập các hội đồng tư vấn cho các khối ngành còn lại. Việc thành lập tất cả hội đồng thẩm định là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. 

Nguy cơ thụt lùi của các trường công lập hàng đầu

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết đào tạo ngành y, dược của Việt Nam cho đến nay nhìn chung đạt được nền tảng khá cơ bản, năng lực ứng phó của cả hệ thống y tế trong mùa dịch Covid-19 hiện nay là một minh chứng.
Nhưng nếu nhìn rộng ra, chẳng hạn qua cách Trường ĐH VinUni chuẩn bị cho việc đào tạo cho các mã ngành bác sĩ đa khoa và bác sĩ nội trú, thì Bộ Y tế đã phải “sực tỉnh” để đưa ra lời khuyến cáo cho hiệu trưởng 2 trường y công lập “đình đám” nhất trong nước hiện nay là Y Hà Nội và Y Dược TP.HCM, bởi nếu không cẩn thận thì khoảng 10 năm nữa các trường này sẽ mất vị thế hiện nay.
Theo giải thích của ông Tác, chuẩn đào tạo Trường ĐH VinUni đặt ra cao hơn hẳn “chuẩn” Việt Nam, tiệm cận chuẩn của trường thuộc nhóm 10 ĐH đào tạo về y khoa tốt nhất nước Mỹ, để sinh viên tốt nghiệp có đủ trình độ hành nghề ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trong khi đó, theo như nhận xét của quốc tế, bác sĩ Việt Nam giỏi thì giỏi thật, nhưng về đào tạo đại trà thì “chuẩn chẳng giống chuẩn nào”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.